Tự lái xe, khuân vác, xếp đồ
Thời điểm này một năm về trước, TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội và mức độ tăng theo các Chỉ thị 15, 16 và 16+. Đó là giai đoạn số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng lên hàng ngàn.
Nữ nhà báo Huyền Châm vận chuyển mì đến một xóm nghèo trong lúc TP.HCM giãn cách
“Hôm đó, từ tòa soạn trở về, ngang qua một gầm cầu, tình cờ thấy xuất hiện một người xin ăn. Trên xe còn ổ bánh mì chưa kịp ăn, tôi dừng lại trao cho người đó. Khi chưa kịp đi, một người khác chầm chậm xuất hiện rụt rè tới hỏi: “Anh còn gì ăn cho xin một ít”. Cái đói đã đến thật rồi”, nhà báo Đặng Đại (Báo Giao thông) nhớ lại.
Suốt ba tháng trời ngược xuôi cầm tiền của các nhà hảo tâm giúp người nghèo, tôi thấy điều quý giá nhất là nghề báo cho mình được nghe, thấy nhiều điều mà không phải ai cũng được trải nghiệm.
Thấy tận cùng nỗi vất vả, nhọc nhằn, bấp bênh của lao động nghèo, sự phờ phạc của cán bộ phường, khu phố, sự mệt mỏi nhưng kiên cường của các anh em lực lượng vũ trang và sự tận tâm của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Đó chính là tinh thần tương thân, tương ái của người Việt bao đời nay…
Nhà báo Đặng Đại
Ngay hôm sau, anh liên lạc với lãnh đạo phường nơi mình sinh sống để gửi 500kg gạo cho người nghèo. Nhưng số gạo ấy như muối bỏ biển vì với công nhân, lao động tự do… chỉ cần nghỉ làm 1 tháng là trong nhà không có tiền ăn.
“Vậy, cần phải làm liên tục hơn vì người nghèo lúc này họ không sợ chết về dịch nữa mà sợ chết vì đói trước. Ngay khi chia sẻ với những người bạn của mình, mọi người đều ủng hộ để có thể làm liên tục mỗi ngày phát gạo, rau, trứng, thịt đến những xóm trọ”, anh Đặng Đại kể về cơ duyên đến với những việc làm thiện nguyện.
Sau mỗi chuyến xe chở đầy gạo, mắm, rau củ… gửi đến các xóm nghèo, đêm về, anh lại nhận thêm những cuộc gọi mới. Có khi là cuộc gọi từ những mạnh thường quân muốn góp sức, cũng có khi là tiếng gọi cứu trợ...
“Thời dịch cũng như thời chiến vậy, chiến đấu với dịch bệnh nên Chính phủ buộc phải ra chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó”, ra đường phải có giấy “thông hành”. Làm nhà báo, may mắn có điều kiện đi lại, bao nhiêu người đang đợi mình ở phía trước, làm sao đừng được”, anh Đại chia sẻ.
Và rồi cứ mỗi khi đêm về, trong chính căn phòng tự cách ly của mình với gia đình, nhà báo Đặng Đại lên danh sách hàng hóa, sau đó gửi cho một chị bác sĩ trong nhóm thiện nguyện cùng đặt hàng. Cứ mỗi sáng dậy, anh lái xe, đến nơi nhận thực phẩm, tự khuân vác, xếp đồ và lên đường.
Mặc dù có giấy “thông hành” nhưng hành trình đi qua biết bao trạm chốt, có nơi đi ngang qua được, có nơi không. Có những xóm trọ tìm nửa ngày mới tới… Nên mỗi ngày khi trở về nhà, người anh vương vất mùi “thum thủm” của rau, củ thiu là chuyện thường.
Những hình ảnh không thể quên
Nhà báo Đặng Đại trong một lần thiện nguyện vào tâm dịch
Nhà báo Huyền Châm (Tạp chí Bizlive) kể, chị và nhóm bạn của mình gồm nhiều nữ phóng viên thường hay chia sẻ những thông tin nghề nghiệp trên nhóm. Thời điểm TP.HCM phong tỏa, cũng là lúc chị và các đồng nghiệp bắt đầu bàn tới chuyện làm thiện nguyện, dù biết không đơn giản.
“Chúng tôi mượn xe, tìm khắp nơi những điểm mối bán gạo, bán mắm, bán mì tôm, bán rau. Có lần ghé một xóm trọ để trao thực phẩm, khu phố bị phong tỏa không vào được, người bên trong cũng không thể ra. Chúng tôi đành hỏi tất cả mọi người trong xóm trọ, tìm số điện thoại của chị bán rau, bán thịt. Liên lạc qua điện thoại rồi mua hàng và nhờ họ đem vào trước cổng khu trọ”, chị Châm kể.
Một đêm đang ngủ, chị Châm nhận được tin nhắn “xin đổi 5kg gạo lấy một chút thức ăn vì gia đình có cháu nhỏ đang bệnh”. Đó là tin nhắn của một cô công nhân cách đó 3 tuần nhận được 10kg gạo từ nhóm chị Châm.
Một lần khác, nhóm chị Châm nhận được tin một xóm nghèo trong khu 724 đường Lê Văn Lương, Phước Kiểng, huyện Nhà Bè mới 2 ngày đã có hơn 200 ca F0. Đây là khu vực toàn công nhân, lao động tự do sinh sống, rất nghèo.
“Chúng tôi chở thực phẩm xếp lại ở một bãi đất trống gần xóm trọ, sau đó ra hiệu cho mọi người lần lượt ra lấy. Có người hình như nhịn đói quá lâu, nên khi nhận được phần thực phẩm trên tay, đã quỳ sụp xuống đất vái lạy. Cảnh tượng đó với một nhà báo đã cầm bút gần 15 năm như tôi đến giờ vẫn không thể nào quên”, chị Châm tâm sự.
“Dù có chuyện gì, vẫn chọn xông pha”
Không trực tiếp đi vào những xóm nghèo, nhưng lại là người tiếp xúc với các y, bác sĩ nơi tâm dịch, nhà báo Hoàng Tuyết (Báo Tin tức) kể, lần đó chị nhắn tin hỏi thăm một bác sĩ, vị bác sĩ không nhắn tin mà gửi hình ảnh phần cơm đã thiu.
Đây là suất cơm trưa nhưng tận cuối giờ chiều vị bác sĩ này mới ra khỏi phòng bệnh. Giữa cái nắng oi ả của Sài Gòn, có thực phẩm nào để lâu mà không thiu?
Chị Tuyết cùng một đầu bếp sau khi ngồi thảo luận để tìm loại thực phẩm nào lâu thiu hơn, sau đó lựa chọn bánh mì. Cứ như vậy, hàng trăm phần bánh mì được chuyển vào bệnh viện hỗ trợ các bác sĩ cho những ngày lỡ bữa.
Từng vào khu vực đang cách ly F0, đến nhiều khu vực phong tỏa để tiếp tế lương thực, chị Tuyết chia sẻ: “Máu trong người mỗi người cầm bút là “xông pha”. Chính điều này rèn giũa bản lĩnh trong nhiều tình huống. Tôi cũng không sợ nhiễm Covid-19 và dù có chuyện gì đi nữa, chúng tôi vẫn chọn xông pha”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận