Kinh tế

Khi nhà đầu tư chăm “ôm” đất, bỏ bê xây hạ tầng

27/07/2017, 06:27

Khi cơn sốt bất động sản lên cao, doanh nghiệp đua nhau chủ động đề xuất dự án BT để “ôm đất”.

11

Tập đoàn Mường Thanh đang thi công phần dang dở dự án đường trục phát triển phía Nam Hà Tây do CIENCO5 Land để lại - Ảnh: Tuyết Trịnh

 

Chăm “ôm” đất hưởng lợi 

Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở của Gamuda Berhad làm chủ đầu tư xây dựng, sau khi đưa vào sử dụng được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra. Kết quả kiểm tra mẫu nước đã qua xử lý của nhà máy, chỉ tiêu về phốt pho, nitơ đều không đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của hợp đồng BT, song vẫn được UBND TP Hà Nội chấp thuận bàn giao và đưa vào khai thác. Đáng chú ý, toàn bộ nước thải sinh hoạt khoảng 10.000m3/ngày, đêm từ khu công viên Yên Sở, các Khu đô thị C1, C2 (dự án đối ứng của nhà đầu tư) chưa được Công ty Gamuda Việt Nam thu gom, xử lý mà xả thẳng vào hệ thống thu gom của Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở. Điều này không chỉ vi phạm các quy định về quy chuẩn xả thải mà chi phí cho việc xử lý toàn bộ khối nước thải trên cũng chưa được nhà đầu tư tính toán để trả cho các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Ngày 16/7, có mặt tại Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở (Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận cảnh nước đã qua xử lý song vẫn nguyên màu đen, bọt nổi trắng xóa. Đi dọc bờ kênh dẫn nước từ nhà máy ra hồ điều hòa (nơi tập trung nước thải trước khi quay trở ra sông), một mùi hôi thối bốc lên khó chịu dù trước đó khu vực này liên tiếp xuất hiện những trận mưa. Chỉ tay vào dòng nước đen sủi tăm, ông Tuấn, người lái xe ôm gần 20 năm tại khu vực này cho biết: “Lần xả thải nào cũng thế, nước tuôn đến đâu, cá chết tới đó”.

Báo Giao thông cũng đặt vấn đề với Sở TN&MT Hà Nội - cơ quan đại diện của UBND TP Hà Nội đứng ra ký hợp đồng với nhà đầu tư về trách nhiệm để xảy ra hàng loạt sai phạm tại dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT đã chuyển trách nhiệm trả lời sang ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN&MT. PV Báo Giao thông đã nhiều lần liên lạc với ông Nghĩa nhưng đều không nhận được hồi âm.

Khi chúng tôi đi tới hồ điều hòa, cá bắt đầu phơi bụng nổi lên mặt nước, dạt vào ven bờ, bốc lên mùi tanh thối, trong đó nhiều con cá trắm ước nặng xấp xỉ 3kg. “Cá to như vậy nhưng dân chúng tôi chẳng ai dám bắt ăn vì nước ô nhiễm nặng. Đã thành thói quen, mỗi đợt nước xả ra hồ, cứ sáng sớm hoặc chiều tối, dân trong vùng lại đổ ra đây vớt cá chết về cho lợn ăn”, ông Tuấn kể.

Trong khi đó, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư lại đang nhộn nhịp phân lô, bán nền dự án đối ứng là Khu đô thị Gamuda Gardens rộng 73ha. Được biết, khu đô thị cung cấp 2.000 căn biệt thự, liền kề và chung cư cao cấp, trong đó 364 căn biệt thự đã bắt đầu được bàn giao cho khách hàng, Theo mức giá công bố, mỗi căn biệt thự tại đây từ 11-18 tỷ đồng, nhà liền kề cũng lên tới 7-19 tỷ đồng/căn, tùy diện tích. Như vậy, với 364 căn biệt thự đã được chốt, nhà đầu tư này có thể thu về từ 400-650 tỷ đồng.

Ngày 21/7, PV Báo Giao thông đã liên lạc với đại diện Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam - đơn vị trực tiếp quản lý dự án này tại Việt Nam, đặt một số câu hỏi như: Nguyên nhân để xảy ra sai phạm tại dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở? Trách nhiệm thuộc về ai? Biện pháp khắc phục? Lộ trình thực hiện hàng loạt kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng như của Thanh tra Chính phủ?... Bà Lê Thu Thảo, đại diện truyền thông của Gamuda Land Việt Nam cho biết, chưa nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án. Đồng thời, cho biết, Tổng giám đốc Gamuda Land hiện không có mặt tại Việt Nam (nghỉ phép) nên khất câu trả lời.

Bỏ bê xây hạ tầng nghĩa vụ

Chung tình cảnh là “siêu” dự án đường trục phát triển phía Nam Hà Tây được chính quyền Hà Tây cũ phê duyệt vào đúng “phút 89” trước khi tỉnh này sáp nhập vào TP Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, đổi lấy hơn 570ha đất để thực hiện 3 dự án đối ứng gồm: Khu đô thị mới Thanh Hà A, B và Mỹ Hưng - CIENCO5.

Theo dự kiến, giai đoạn 1 của dự án (từ Km0 - Km 19+900) phải hoàn thiện trước ngày 31/12/2010. Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi công, đến nay đoạn đường này vẫn còn ngổn ngang.

Vậy nhưng từ năm 2007 sau khi được thành lập, Công ty CIENCO5 Land đã tiến hành phân lô, bán nền Khu đô thị Thanh Hà. Tuy nhiên, do CIENCO5 Land không đủ năng lực để triển khai khiến dự án hoang tàn, giá đất theo đó cũng giảm 50% giá trị. Đầu tháng 5/2016, Tập đoàn Mường Thanh đã thâu tóm lại dự án Thanh Hà từ tay CIENCO5 Land sau khi mua 95% cổ phần, tương đương 1.500 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Quang Vinh, Tổng giám đốc CIENCO5 giải thích, có rất nhiều yếu tố khiến dự án đường trục phát triển phía Nam Hà Tây chậm tiến độ. “Sau sáp nhập, Hà Nội đã điều chỉnh lại quy hoạch; cũng có thời kỳ dự án đã nằm trong danh sách dừng triển khai... Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về CIENCO5 Land và nhà đầu tư CIENCO5”, ông Vinh nói và cho biết thêm, chủ đồng tư đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo CIENCO5 Land tập trung hoàn thiện, đảm bảo chất lượng công trình.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông mới đây, Tập đoàn Mường Thanh vẫn đang triển khai xây dựng tuyến đường trên.

Về khoản tiền còn nợ nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Vinh khẳng định: Tháng 5/2017, nhà đầu tư đã nộp hết số tiền trên cho UBND TP Hà Nội. Hà Nội mới đây cũng có kết luận giao CIENCO5 tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án đường trục phát triển phía Nam (từ Km 19+900 - Km 41+500), dự án đối ứng là Khu đô thị Mỹ Hưng.

Còn tiếp

Kỳ 1: Lỗ hổng thất thoát nghìn tỷ từ dự án BT

Kỳ 2: Nhà nước thiệt đơn, nhà đầu tư lợi kép

Kỳ 3: Kiểm tra là ra sai phạm 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.