Chuyện dọc đường

Khi Quốc hội bác tăng mức phạt ma men lái xe

07/06/2019, 09:15

Có nên trông chờ quá nhiều vào việc tăng nặng mức phạt trong việc phòng chống tác hại rượu bia?

img

Chiều ngày 3/6, Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu thông qua 3 nội dung còn nhiều quan điểm trái chiều trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Do số phiếu không quá bán, phương án bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau không được đưa vào Luật.

Phương án cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn, hoặc trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn theo quy định của pháp luật an toàn giao thông cũng không được đại biểu Quốc hội thông qua.

Như vậy, các đại biểu đã có quyết định của mình và chúng ta phải tôn trọng. Tuy nhiên, việc này đã gây dư luận không tốt những ngày qua. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội: Nhận thức của đại biểu về vấn nạn ma men lái xe có vấn đề hay có sự tác động của các doanh nghiệp vào công tác xây dựng luật?

Từ góc độ luật sư, tôi cho rằng việc đại biểu không tán thành các nội dung trên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nếu chỉ tiếp cận qua tỷ lệ bấm nút tán thành thì chưa hiểu hết bản chất vấn đề.

Thứ nhất, có thể một số đại biểu cho rằng các quy định cụ thể về việc cấm lái xe khi đã uống rượu bia hoặc trong máu, trong khí thở có nồng độ cồn nên được quy định trong luật khác (Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã có quy định về điều này).

Thứ hai, có thể cả hai phương án được đưa ra lấy ý kiến đều không thỏa mãn các đại biểu, câu từ diễn đạt, khái niệm còn cần điều chỉnh.

Thứ ba, theo tôi, khi quyết định bấm nút, đại biểu Quốc hội phải xem xét, tính toán, dự liệu đến sự khả thi của phương án đó trên thực tế.

Với một quy định pháp luật mới được ban hành thì phải có cơ chế chính sách, nhân lực, con người, tài chính, phương tiện kỹ thuật để áp dụng và thi hành trên thực tế. Khi đã quy định cấm phải có chế tài, có phương tiện và lực lượng để xử lý.

Ngoài vấn đề về kỹ năng nghiệp vụ, thì trình độ, đạo đức, trách nhiệm của lực lượng xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, còn lo ngại tăng nặng chế tài sẽ khiến nhũng nhiễu, tiêu cực nảy sinh.

Có lẽ vì thế mà nhiều đại biểu đã không đồng ý thông qua và còn tiếp tục góp ý cho ban soạn thảo.

Chúng ta cùng chờ xem Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sẽ được thông qua ở kỳ họp này với những nội dung được điều chỉnh thế nào, có đủ sức mạnh để ngăn chặn vấn nạn rượu bia tràn lan gây hiểm họa cho xã hội hiện nay hay không.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định việc Quốc hội không thông qua một số quy định nêu trên không có nghĩa rằng các tài xế sẽ vô tư uống rượu bia sau đó lái xe. Vi phạm nồng độ cồn vẫn bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện nay, hành vi điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá mức cho phép vẫn bị xử lý hành chính theo Nghị định 46 với ô tô tối đa là 18 triệu đồng, và xe máy tối đa 2 triệu đồng.

Người say rượu bia gây TNGT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hình phạt có thể lên tới 15 năm tù.

Với chế tài hiện nay, điều cần nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện đầy đủ, triệt để, công bằng với tất cả đối tượng vi phạm, chính điều này mới có tác dụng răn đe và thay đổi nhận thức xã hội hiệu quả nhất. Không nên trông chờ quá nhiều vào việc tăng nặng mức phạt trong việc phòng chống tác hại rượu bia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.