Điện ảnh

Khi “quyền lực mềm” của khán giả phát huy tác dụng

12/11/2019, 06:44

Sau sự kiện của Thành Long, mới đây, CGV Việt Nam đã hạ poster, rút trailer quảng bá cho bộ phim “Mulan” dự kiến ra mắt vào năm 2020.

img
Bộ phim “Mulan” chưa biết có được trình chiếu tại Việt Nam hay không khi có sự tham gia của Lưu Diệc Phi

Thành Long đã không tới Việt Nam để tham gia buổi họp báo tổ chức Operation Smile Việt Nam trong đợt kỷ niệm 30 năm thành lập tại Việt Nam trở thành câu chuyện gây chú ý trong những ngày qua. Trước áp lực dư luận và sự tẩy chay mạnh mẽ của cộng đồng mạng Việt Nam dành cho một nghệ sĩ từng lên tiếng công khai ủng hộ “đường lưỡi bò” phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc, tổ chức Operation Smile Việt Nam thậm chí đã phải điều chỉnh lại hình ảnh của các đại sứ trên trang mạng xã hội, trong đó có Thành Long nhằm “tránh sự hiểu lầm không đáng có”.

Sau sự kiện của Thành Long, mới đây, CGV Việt Nam đã hạ poster, rút trailer quảng bá cho bộ phim “Mulan” dự kiến ra mắt vào năm 2020. Bộ phim có sự tham gia của Lưu Diệc Phi - một trong những diễn viên cũng từng ủng hộ “đường lưỡi bò” phi pháp. Mặc dù CGV không đưa ra bất cứ lời giải thích nào nhưng nhiều người cho rằng, có lẽ đơn vị phát hành này đang tính toán và có khả năng lường trước những phản ứng không hay từ dư luận và sợ bị “giáng đòn”.

Hai ví dụ nêu trên cho thấy, khán giả đã và đang nắm trong tay thứ quyền lực vô hình nhưng vô cùng đáng sợ. Vấn đề là họ vận dụng quyền lực ấy thế nào và trong những hoàn cảnh nào.

Người ta vẫn thấy khán giả “kêu trời” bởi nhiều chương trình gameshow nhảm nhí trên sóng truyền hình, những thước phim phản cảm trên mạng, những trò lố để PR hay các scandal tai tiếng hòng tìm cách nổi tiếng để dấn thân vào showbiz… Nhưng, họ chỉ than thở hay chờ đợi cơ quan quản lý xử lý chứ chưa biết tận dụng quyền của mình để chính bản thân sẽ là người “ra tay” bài trừ, tẩy chay những sản phẩm văn hóa độc hại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.