Quản lý

Khi thanh tra giao thông làm nhà báo

20/06/2019, 21:15

Thanh tra giao thông làm báo - câu chuyện tưởng đùa nhưng lại là thật tại Thanh Hóa.

img
“Trưởng văn phòng đại diện” - ông Lê Văn Lương, Phó chánh thanh tra Sở GTVT
“biên tập” nội dung “tin, bài” của anh em cấp dưới gửi

Câu chuyện tưởng đùa nhưng lại là thật vì hiện nay, lực lượng TTGT Thanh Hóa hàng tháng phải có “chỉ tiêu” tin, bài gửi lên cấp trên để được đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Thanh tra Bộ GTVT, Sở GTVT Thanh Hóa.

Theo ông Lê Văn Lương, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa, từ năm 2016, Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch yêu cầu các Tổ, Đội, Trạm cân, Văn phòng 1 tháng phải có 2 tin, bài đã qua kiểm duyệt gửi ra Thanh tra Bộ GTVT xét duyệt đăng tải trên Trang Thông tin điện tử Thanh tra Bộ GTVT. Tất cả những tin, bài được đăng đều chấm nhuận bút, trả thù lao cho tác giả.

Được ví như “Trưởng văn phòng đại diện”, ông Lương cho hay: “Bên cạnh chuyên môn phải làm thật tốt, mỗi anh em cán bộ, công nhân viên của TTGT phải viết tin, bài để tuyên truyền hoạt động của đơn vị và trao đổi nghiệp vụ TTGT Thanh Hóa hiện có 8 đầu mối (gồm các Tổ, Đội, Trạm Cân, Văn phòng) chia nhau trong 1 năm mỗi đầu mối 1 tháng có 2 tin, bài.

Các tin, bài đều phải ngắn gọn từ 100-200 chữ kèm theo hình ảnh. Nội dung tập trung vào các kế hoạch chuyên ngành, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Hoặc thông qua công tác tại địa phương nếu có gương điển hình về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Qua mấy năm làm công tác xét duyệt đề tài, rà soát lỗi chính tả, số liệu thống kê hướng dẫn anh em viết báo, tôi thấy công việc này rất thú vị. Từ những tin, bài của anh em gửi về chúng tôi nắm được tình hình các đầu mối thực hiện chỉ đạo từ cấp trên như thế nào. Từ đó có thể chấn chỉnh kịp thời trong lĩnh vực chuyên môn”.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Đội trưởng Đội TTGT số 1, Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, lúc đầu tập viết tin, bài rất ngượng vì lâu nay chủ yếu làm chuyên môn nhưng khi thành thói quen thì viết rất nhanh. Theo kế hoạch phân công, 3 tháng đội tôi mới viết tin bài gửi lên cấp trên. Mỗi lần viết chúng tôi phải lựa chọn đề tài phù hợp với thực tiễn, với kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên trong công tác đảm bảo TTATGT hay điểm nóng xử lý xe quá tải, quá khổ… “Nhiều khi chúng tôi cứ trêu sau này nghỉ hưu có khi làm cộng tác viên cho các cơ quan báo chí”, ông Minh nói.

Nội dung tin bài đều bám sát thực tiễn như: Xử lý xe quá tải; Tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường thủy trước mùa mưa bão… không khác gì một bản tin báo chí. Tuy nhiên, do các mẫu “tin” tập trung vào số liệu là chính nên có phần khô cứng hơn dạng tin báo chí.

Theo Phó chánh thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa Lê Văn Lương, trung bình 1 năm TTGT có 40 tin, bài gửi đăng tải trên Trang Thông tin điện tử Thanh tra Bộ GTVT và của Sở GTVT Thanh Hóa. Trong năm 2018, Thanh tra Sở GTVT được Thanh tra Bộ GTVT đánh giá cao trong việc thực hiện gửi “tin, bài” thường xuyên, đều đặn so với TTGT các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

“Do chúng tôi chủ yếu tập trung vào công việc chuyên môn nên những tin, bài đang còn khô cứng bởi chủ yếu là số liệu. Mỗi khi anh em gửi tin, bài, tôi phải yêu cầu kiểm tra số liệu cụ thể, chính xác mới đồng ý ký duyệt gửi đi. Tuy không chi tiết, đầy đủ nhưng đây cũng xem như là báo cáo số liệu làm việc của TTGT trong lĩnh vực chuyên môn hàng tháng. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ có sự thay đổi về nội dung, cần đi sâu vào nhiều lĩnh vực chuyên ngành hơn nữa”, ông Lương cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.