Văn hóa - Giải Trí

Khi xiếc, ảo thuật trở thành game show truyền hình

05/10/2017, 08:05

Lần đầu tiên, một gameshow dành cho các nghệ sĩ xiếc, ảo thuật được ra mắt tại Việt Nam.

27

Thí sinh Minh Long biểu diễn tiết mục nâng bi sắt bằng mi mắt trong bảng thi Công năng

Lần đầu tiên, một gameshow dành cho các nghệ sĩ xiếc, ảo thuật được ra mắt tại Việt Nam. Chương trình có format thuần Việt, là tâm huyết của đạo diễn Vũ Thành Vinh với mong muốn đưa xiếc, ảo thuật đến gần hơn với khán giả truyền hình.

Không ghê rợn, phản cảm?

Sau 3 tập ra mắt, chương trình Kỳ tài lộ diện vấp phải những phản hồi trái chiều. Bên cạnh sự trầm trồ, vẫn có ý kiến cho rằng một số tiết mục còn ghê rợn. Như trong tập 2 phát sóng ngày 22/9 ở bảng thi Công năng, thí sinh biểu diễn nhiều tiết mục có tính nguy hiểm cao như: Nuốt bi sắt, nuốt kiếm sắc nhọn, khoan mũi, nuốt rắn từ mũi… Nhiều khán giả trong trường quay và giám khảo Kiều Oanh đã phải liên tục che mặt không dám nhìn.

Trong khi trước đó, Ban tổ chức thông báo, các tiết mục sẽ được chắt lọc khá kỹ càng, không quá ghê rợn để tránh gây phản cảm trên sóng truyền hình. Trong mỗi tiết mục, luôn khuyến cáo khán giả không nên làm theo dưới mọi hình thức. Nghệ sĩ Kao Long, Chủ tịch Chi hội Xiếc - Ảo thuật (Hội Sân khấu TP.HCM), cố vấn chuyên môn và giám khảo xuyên suốt của chương trình cho hay, các tiết mục đều được Ban tổ chức xem xét kỹ trước khi ghi hình. Những tiết mục quá nguy hiểm, gây chảy máu, phản cảm sẽ bị loại.

Là một thí sinh tham gia trong bảng thi Công năng, nghệ sĩ xiếc Minh Long cho biết, mình không muốn dùng từ thi đấu mà chỉ coi đây là nơi để mọi người học hỏi những điều hay, kinh nghiệm trong cuộc sống và công việc từ các đàn anh, đàn chị trong nghề. Cùng với đó, các diễn viên cũng có cơ hội để quảng bá hình ảnh, tên tuổi của mình. Bởi, nghệ sĩ xiếc biểu diễn và tập luyện luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập nhưng không phải ai cũng được khán giả biết đến và công nhận. 

Lý giải về những tiết mục trên, nghệ sĩ Kao Long giải thích, tùy góc độ nhìn nhận của mỗi khán giả mà thấy nó phản cảm hay không. Bởi, những tiết mục này đã quy định rõ ràng chỉ có những thí sinh thường xuyên tập luyện, có khả năng đặc biệt mới làm được. Và họ đều là những nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. “Bên Ấn Độ, những chuyện như cho rắn vào mũi, miệng, họ làm thường xuyên, đến trẻ em cũng làm được”, ông chia sẻ.

Được biết, Kỳ tài lộ diện là gameshow đầu tiên tại Việt Nam về loại hình nghệ thuật xiếc - ảo thuật. Theo đó, ngoài những tiết mục của các thí sinh, chương trình còn giới thiệu những câu chuyện về hoàn cảnh sống, quá trình tập luyện, những trải lòng của nghệ sĩ đam mê xiếc. Qua đó, khán giả có thể hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này cũng như sự khổ luyện của các nghệ sĩ. Các thí sinh được chia thành 4 bảng thi đấu ở hai mảng riêng biệt. Mảng Ảo thuật gồm bảng Trò khéo (biểu diễn trên sân khấu với sự khéo léo và nhanh nhẹn), Đồ lớn (biểu diễn các tiết mục có sử dụng đạo cụ kích thước lớn) và Đường phố (biểu diễn tương tác với khán giả). Mảng Xiếc có bảng Công năng, dành cho các nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục thử thách giới hạn chịu đựng và có phần nguy hiểm.

Phần thi rủi ro cao vẫn lên sóng

Đa số thí sinh trong chương trình đều là diễn viên của các đoàn xiếc chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy và đã có kỹ năng biểu diễn thuần thục, một số biểu diễn tự do. Dù vậy, đại diện Ban tổ chức cho biết, yếu tố an toàn được chương trình đặt lên hàng đầu, dù bản thân các nghệ sĩ biểu diễn xiếc cũng luôn ý thức được điều này. Vì nếu có sai sót, thậm chí họ phải trả giá bằng mạng sống. Bởi thế, trước khi bắt đầu mỗi tiết mục, bộ phận chuyên môn sẽ đi kiểm tra các đạo cụ để đảm bảo an toàn. Ngoài việc mua bảo hiểm cho các thí sinh, trong hậu trường của chương trình cũng luôn có đội ngũ y tế túc trực, sẵn sàng sơ cứu nếu có những sơ suất, rủi ro không may xảy đến.

Công năng là bảng thi với nhiều tiết mục nguy hiểm nhất, bởi các diễn viên phải dùng chính cơ thể của mình để tập luyện và chịu sự đau đớn. Đơn cử, tiết mục nuốt bi sắt của thí sinh Lê Văn Hải được đánh giá có độ rủi ro cao, vì thí sinh phải nuốt bi vào dạ dày rồi dùng lực đẩy bi đi lên cuống họng ra ngoài. “Nuốt vào thì dễ nhưng đẩy lên vô cùng khó. Lỡ không đẩy lên được chỉ còn cách nhập viện để mổ”, võ sư Minh Tân - người có gần 40 năm trong nghề xiếc công phu phân tích. Nhưng “chủ yếu phải phòng là chính. Những tiết mục ở dưới đất là sự cố bất ngờ nên không thể kiểm tra trước được tính an toàn. Còn chương trình có hai tiết mục trên cao là đu dây và đu vòng, trước khi diễn, đích thân tôi phải kiểm tra độ chắc chắn của dây, tời”, nghệ sĩ Kao Long tâm sự.

Được biết, trường quay có những khung sắt kiên cố, chắc chắn, độ cao ngang bằng độ cao của một rạp xiếc tiêu chuẩn. Bên dưới được trải thảm dày. Ngoài việc lo đảm bảo an toàn, chương trình cũng tạo điều kiện giúp đỡ thí sinh về phục trang, kịch bản. Riêng dụng cụ biểu diễn đều là của thí sinh, bởi đó là dụng cụ chuyên dụng họ thường xuyên dùng để biểu diễn. Trước khi ghi hình 3 ngày, thí sinh sẽ tập trung lại với cố vấn chuyên môn để xem xét, gọt giũa lại các tiết mục cho đẹp mắt.

Theo nghệ sĩ Kao Long, các tiết mục trong bảng thi Công năng mang tính giải trí cao hơn, bởi ngoài tài năng thiên bẩm đòi hỏi cả khổ luyện. Còn thực sự chuyên nghiệp là những thí sinh thuộc các rạp xiếc công lập, xuất thân từ trường xiếc, có nhiều năm làm nghề. Chủ tịch Chi hội Xiếc - Ảo thuật TP HCM nhận định: “Dù vậy, với việc họ đã biểu diễn hàng đêm, trở thành công việc kiếm sống nhiều năm qua, cũng không thể không gọi là chuyên nghiệp được”.

Võ sư Minh Tân nhìn nhận, trong bối cảnh nghệ thuật xiếc đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay và Nhà nước còn ít đầu tư, việc có một sân chơi cho nghệ sĩ xiếc là điều đáng hoan nghênh. Với , ông hy vọng các nghệ sĩ xiếc sẽ giúp khán giả có cái nhìn khác hơn về bộ môn này. Đồng thời, sau chương trình họ sẽ có nhiều lời mời biểu diễn hơn, có thêm thu nhập để nuôi ước mơ của mình được dài và tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.