Thế giới

Khó khăn chồng chất đón chờ “bà đầm thép” Angela Merkel

26/09/2017, 08:25

Hôm qua (25/9), Cộng hòa Liên bang Đức khép lại cuộc tổng tuyển cử với kết quả phức tạp.

31

Đảng Bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel chiến thắng dù với tỉ lệ phiếu thấp kỷ lục trong 70 năm

Hôm qua (25/9), Cộng hòa Liên bang Đức khép lại cuộc tổng tuyển cử với kết quả phức tạp. Mặc dù “bà đầm thép” của nước Đức Angela Merkel tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4 nhưng nền chính trị Berlin lại chứng kiến sự trỗi dậy ngoạn mục của những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Bước ngoặt với nước Đức

Dù đảng Bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel vẫn chiến thắng, là đảng mạnh nhất trong Quốc hội (Bundestag) nhưng lại nhận kết quả tồi tệ nhất trong 70 năm qua (khoảng 32,5% trên tổng số phiếu thu về). Con số này không gây bất ngờ vì dự đoán trước bầu cử cũng chỉ ở khoảng 36-37%. Như vậy, CDU/CSU sẽ giành được khoảng 219 ghế tại Quốc hội, ít hơn 30 ghế so với trước và việc thành lập liên minh cầm quyền mới thêm phần phức tạp.

Trong khi đó, đảng cực hữu “Con đường khác cho nước Đức” (AFD) lần đầu tiên bước vào Quốc hội Đức với 13,5% số phiếu (tương đương 87 ghế). Kết quả này cũng đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội Đức chứng kiến sự trở lại của một đảng cực hữu mang tư tưởng phát xít kể từ sau Thế chiến 2.

Bầu cử liên bang Đức năm nay ước tính có sự tham gia của khoảng 61,5 triệu cử tri (18 tuổi trở lên). Sự kiện được tổ chức 4 năm/lần bao gồm hai cuộc bỏ phiếu riêng biệt: Một cuộc do cử tri chọn ra một ứng viên trong hạt bầu cử của mình; Một cuộc khác bỏ phiếu cho đảng chính trị mà họ ưa thích.

Tổng biên tập tờ Deutsche Welle, ông Ines Pohl nhận định kết quả cuộc tổng tuyển cử lần này là bước ngoặt đối với nước Đức. Theo ông Ines Pohl, rõ ràng, đã có 2 bên thua cuộc trong bầu cử lần này đó là: Bà Angela Merkel và đảng Dân chủ xã hội (SPD) - vốn liên minh với CDU/CSU để trở thành đảng cầm quyền trong nhiệm kỳ trước.

Ông Pohl cho rằng đây là sự thụt lùi mà thông thường sẽ trở thành lý do khiến Thủ tướng phải cân nhắc đến chuyện từ chức. Song tình hình hiện nay lại bất thường vì có sự trỗi dậy của đảng AFD.

Vị Tổng biên tập DW nhận định, qua cuộc bầu cử này, chính trị Đức đã thay đổi, đối mặt với thách thức làm sao để dung hòa những chia rẽ trong Quốc hội; kiểm soát không để những phát ngôn được cho là mị dân, cực đoan của AFD chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận tại Quốc hội.

Thực tế, AFD đang biến đổi các diễn văn chính trị của mình theo hướng ngày càng cực đoan. AFD là một đảng chống Hồi giáo, chống châu Âu, chủ trương siết chặt dòng người nhập cư, rút nước Đức ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, từ bỏ việc tham gia các Hiệp ước quốc tế như Thoả thuận Paris về khí hậu.

Đáng ngại nhất, các lãnh đạo đảng và thành viên AFD sử dụng nhiều hơn ngôn ngữ phát xít. Alexander Gauland, lãnh đạo AFD, cách đây không lâu thậm chí còn tuyên bố “người dân Đức cần tự hào về các binh sĩ của mình trong Chiến tranh Thế giới 2”, tức ám chỉ các binh lính phát xít.

Theo ông Ines Pohl, thách thức đầu tiên và to lớn nhất của Đức lúc này là thành lập chính phủ. Đảng SPD đã sớm tuyên bố rõ, họ sẽ đi theo hướng đảng đối lập. Đây là cách duy nhất để đảng này tái thiết và phát triển chiến lược cho tương lai, đồng thời ngăn AFD vươn lên trở thành đảng đối lập dẫn đầu Bundestag.

Về phần mình, Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel chắc chắn sẽ vất vả với những cuộc đàm phán phức tạp để có thể thành lập liên minh đảng cầm quyền sau sự ra đi của SPD.

Chính sách đối ngoại không biến động lớn

Dù với nội bộ Đức kết quả này là cả biến động lớn nhưng với thế giới thì vai trò và ảnh hưởng của Berlin trong các vấn đề chung và vấn đề xuyên Đại Tây Dương nói riêng vẫn không có gì thay đổi.

Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Ivo Daalder nhận định: “Quan điểm của tôi đó là bà Merkel vẫn là trụ cột cho sự ổn định trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Việc bà tái đắc cử lần thứ 4 là tín hiệu quan trọng cho thấy vai trò của bà vẫn tiếp nối”.

Còn ông Charles Kupchan, người từng phục vụ ở vị trí Cố vấn cấp cao của ông Obama về vấn đề châu Âu, đang là nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng về Quan hệ Ngoại giao tin rằng: “Chúng ta không thể biết sự phức tạp nội bộ Đức như thế nào, nhưng tôi nhận thấy rằng, sẽ không có sự chuyển đổi đáng kể trong chính sách ngoại giao của Berlin”.

Còn ông James Carafano, Phó chủ tịch “Tổ chức Heritage”, người từng làm cố vấn cho ông Donald Trump về chính sách ngoại giao trong thời gian diễn ra tranh cử Tổng thống nhận định: “Tôi không nghĩ vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Đức”.

Vài nét về “Bà đầm thép” nước Đức

Bà Angela Dorothea Merkel sinh ngày 17/4/1954 tại Hamburg, thành phố cảng miền Bắc nước Đức. “Bà đầm thép” Angela Merkel vốn là chuyên gia ngành hóa học và vật lý. Bà tham gia chính trường từ năm 1989 và chỉ 5 năm sau bà được tín nhiệm và trở thành Bộ trưởng Môi trường và An toàn lò phản ứng hạt nhân.

Tầm nhìn chính trị sắc bén cùng tài lãnh đạo hiệu quả đã giúp bà khẳng định vị trí và giành được sự ủng hộ của người dân và đưa bà đến chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2005. Từ đây, bà được tín nhiệm để trở thành Thủ tướng Đức trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp và khẳng định tầm ảnh hưởng với khu vực cũng như thế giới. Sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, bà tiếp tục nắm giữ vị trí Thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư, trở thành vị lãnh đạo lâu năm nhất châu Âu.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhân dịp đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo do bà Angela Merkel lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức nhiệm kỳ 2017- 2021, ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có thư chúc mừng tới bà Angela Merkel.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.