Thị trường

Khó khăn “kép” của EVN trước áp lực tăng giá điện

22/12/2022, 09:02

Khó khăn “kép” bởi giá than tăng cao, khiến ngành điện lỗ nặng và các đơn vị còn khó vay vốn cho kế hoạch năm tới, đe doạ an ninh năng lượng.

EVNNPC lỗ 4.700 tỷ đồng, không có tiền nộp về tập đoàn

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022, Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã lường trước những khó khăn của năm nay, nhưng thực tế đã vượt xa dự tính.

Những khó khăn đó không chỉ ở cung ứng điện mà còn xuất phát từ những yếu tố khách quan như giá mua điện tăng cao. So với đơn giá trong kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao, thì giá mua bị tăng thêm 685 đồng/kWh, khiến phí bỏ ra tăng thêm 3.700 tỷ đồng.

Chính vì lẽ đó, "riêng năm nay, chúng tôi dự kiến lỗ 4.700 tỷ đồng" bà Ánh nói và cho hay: “Số lỗ này sẽ gây khó khăn cho Tổng công ty trong việc nộp tiền điện về tập đoàn vì chúng tôi không có nguồn để nộp về tập đoàn".

img

Tháng 3/2021, giá than là 94 USD/tấn, nhưng đến tháng 9/2022 đã tăng lên 434 USD/tấn. Giá thành sản xuất điện cũng tăng theo, khiến những nhà máy sử dụng than nhập khẩu khó cạnh tranh trên thị trường điện

Đại diện EVNNPC cũng cho biết, chi phí sửa chữa lớn, giao 30% thì giảm 40%, tiền lương cán bộ công nhân viên giảm chỉ bằng 62% so với năm 2021.

Ngoài ra, báo cáo tài chính lỗ sẽ khiến đơn vị không thể thu xếp tài chính cho các dự án năm nay và 5 năm tiếp theo. Nhiều khoản vay, ngân hàng yêu cầu ngừng giải ngân.

Khi giá than nhập khẩu tăng, thì EVN phải mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu ở mức giá lên tới khoảng 3.000-4.000 đồng/kWh, cao gấp hơn 3-4 lần so với thời kỳ giá than quốc tế không gặp biến động trước đây.

Như vậy, với giá thành ở khâu phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn 82,45% trong giá thành điện thương phẩm, việc mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu ở mức giá cao hơn đã gây áp lực đến chi phí đầu vào cho EVN, khi lần điều chỉnh giá gần nhất diễn ra từ tháng 3/2019 và giữ nguyên cho đến nay.

Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành ngưỡng 1.864,44 đồng/kWh, hiện tập đoàn này lỗ 180 đồng/kWh.

Nguyên nhân chủ yếu là giá than nhập khẩu tăng cao. “Từ đầu năm 2021 đến nay, giá than liên tục tăng. Tháng 3/2021, giá than là 94 USD/tấn, nhưng đến tháng 9/2022 đã tăng lên 434 USD/tấn”, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải chia sẻ với Báo Giao thông.

Giá than cao ảnh hưởng đến vận hành. Các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của Duyên Hải hoạt động theo cơ chế thị trường điện, tức là huy động lần lượt từ mức giá thấp đến cao.

Trong khi đó, các nhà máy Duyên Hải 3 (công suất 1.245 MW) và Duyên Hải 3 mở rộng (688 MW) dùng than nhập khẩu, giá thành lên đến 3.300 đồng/kWh, nên khó cạnh tranh trên thị trường điện. Đây cũng là lý do hiện 2 nhà máy trên dừng vận hành từ tháng 7 năm nay. Và chỉ còn nhà máy Duyên Hải 1 (công suất 1.245 MW) sản xuất điện sử dụng than nội (giá than nội cũng tăng nhưng không đáng kể).

Đây là lần đầu tiên Duyên Hải rơi vào tình trạng khó khăn như vậy kể từ thời điểm vận hành thương mại (năm 2016).

Theo ông Long, 2 nhà máy không hoạt động, không có doanh thu những vẫn phải thanh toán chi phí lãi vay, chưa kể mỗi lần (khoảng 1-2 tháng) vận hành bảo trì máy móc phải tốn hơn 8 tỷ đồng tiền dầu và các khoản chi phí lớn khác để bơm hóa chất chống ăn mòn vào hệ thống…

Với vai trò huy động các nguồn điện lên hệ thống, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, do giá than nhập cao, giá thành từ các nhà máy nhiệt điện còn cao hơn giá bán lẻ hiện nay là 1.864 đồng/kWh.

Điều này khiến nhiều nhà máy than nhập trong giai đoạn vừa qua không được vận hành do chi phí quá đắt. Lượng công suất không được huy động trên hệ thống lên đến 3.000-4.000MW…

Chính vì vậy, nhiều thời điểm, A0 phải huy động tổ máy chạy dầu D0, khiến tăng chi phí cho EVN.

Theo lãnh đạo A0, giá thanh toán trên thị trường điện (gồm giá công suất và giá trần) cho mỗi kWh so với 2021 tăng 19,8% và so với 2019 đã tăng 36%, do giá nhiên liệu đầu vào tăng.

img

Các tổ máy Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng ngừng dự phòng từ tháng 7/2022 do giá than tăng cao

"Giải pháp cốt lõi là tăng giá điện"

EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Nhìn nhận số lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng của EVN, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá “đây là vấn đề rất đáng lưu tâm”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh lưu ý EVN phải rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

“Việc chủ động đưa ra các giải pháp nội tại và tối ưu hoá về công tác quản trị nội bộ của tập đoàn luôn phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu vì đây là điều cốt lõi đóng vai trò chủ đạo, then chốt để giúp EVN tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn cũng cho biết, Ủy ban đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ EVN.

Trong đó, có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN.

Cho rằng nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của EVN là hết sức nặng nề trên cả 2 khía cạnh là đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính, ông Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.