Chất lượng sống

Khoa học góp phần bảo vệ hòa bình thế giới

09/05/2018, 19:18

Hội thảo khoa học với sự tham gia của hai nhà khoa học đạt giải Nobel thế giới được tổ chức tại Quy Nhơn.

anh 2

GS Trần Thanh Vân - Người sáng lập hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc

Ngày 9/5, hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển” đã diễn ra tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định. Hội  thảo do  Tổ chức Khoa học và Giáo dục - Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN) phối hợp với Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định, Viện nghiên cứu phát triển Pháp chi nhánh tại Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thành lập hội GGVN.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ ngành TƯ, Văn phòng Quốc hội, đại diện Liên minh Nghị viện thế giới, Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW), trong đó có 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel là GS Gerard ‘t Hooft - giải Nobel Vật lý năm 1999 và GS Finn Kydland - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004.

Mở đầu hội nghị, GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, bày tỏ vinh dự được chào đón 150 nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam lần này và cho rằng, đây sẽ là sự kiện khoa học lớn nhất trong năm nay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Qua hội nghị, một lần nữa có thêm cơ hội để kết nối khoa học Việt Nam với thế giới, để các bạn trẻ Việt Nam được tiếp cận, học hỏi với "các cây đa cây đề" của khoa học thế giới.

“Các bạn hãy coi trung tâm như gia đình của mình, hãy khám phá con người, đất nước Việt Nam và hãy cùng chúng tôi chia sẻ những ý tưởng mới của khoa học”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ với các nhà khoa học quốc tế.

anh 1

Đây là sự kiện khoa học lớn nhất trong năm nay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học quốc tế và hai nhà khoa học từng đoạt giải Nobel Vật Lý và Kinh tế.

Tại buổi khai mạc, phát biểu của 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel nhận được sự chú ý của các đại biểu.

GS Finn Kydland - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004 đã nhấn mạnh về mức độ tương tác kinh tế và khoa học mà các nước đã đạt được. 

Ông nhận thấy sự khác biệt và khoảng cách giữa các nước trong thời gian qua. “Sự mất bình đẳng gia tăng ở các nước như thế nào trong một vài thập kỷ qua? Chúng ta thấy rằng, đúng là có rất nhiều sự bất bình đẳng về thu nhập trên thế giới, khoảng cách lớn giữa các nước với nhau”, ông chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào thể chế mỗi nước nhưng trong đó khoa học công nghệ tác động rất lớn đến sự phát triển. “Khoa học tương xứng với công nghệ sẽ có khả năng làm được các hoạt động để tạo thu nhập, tạo phúc lợi cho người dân cao hơn”, ông nói.

Còn GS Gerard ‘t Hooft - người nhận giải Nobel Vật lý nhấn mạnh vai trò của giáo dục.  “Chúng ta phải có một hệ thống giáo dục đúng cho người dân. Ngay cả những người đoạt giải Nobel thì ngay từ tiểu học phải được hưởng 1 nền giáo dục đúng cách, trong đó có ngôn ngữ… Tôi khuyên các bạn làm khoa học nếu chưa giỏi tiếng Anh phải học ngay, vì đó là ngôn ngữ của khoa học. Người làm khoa học phải biết đặt ra những câu hỏi và trả lời được những câu hỏi này”, GS Gerard ‘t Hooft chia sẻ.

Ông cũng lý giải và cho biết, người châu Âu có những phát minh tạo nên đột phá là bởi vì họ tò mò hơn, thích khám phá hơn. Họ tự do sáng tạo dựa trên sự tự do thể hiện quan điểm, tự do tôn giáo.

Các phát biểu của đại diện Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW), Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu... đều nhấn mạnh khoa học không có biên giới, lãnh thổ; là yếu tố đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển ở mỗi quốc gia cũng như góp phần vào tăng cường đối thoại, bảo vệ hòa bình thế giới...

IMG_7473

Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Hội thảo lần này sẽ diễn ra trong hai ngày và kết thúc vào tối mai (ngày 10/5). Hội thảo sẽ thảo luận về chủ đề: tác động khoa học đối với kinh tế xã hội; khoa học và việc hoạch định chính sách; khoa học và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; các mô hình khoa học và phát triển; khoa học là một công cụ để đối thoại, có thể giúp tạo ra các điều kiện cho đối thoại đa văn hóa, và hoà bình; khoa học và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.