Doanh nghiệp

“Khoảng tối” của những đại gia bất động sản

17/08/2017, 06:55

Thua lỗ nặng, hàng tồn kho tăng cao và vay nợ lớn là những góc khuất của nhiều đại gia bất động sản.

10

Novaland là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có hàng tồn kho tính tới ngày 30/6 lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng - Ảnh: NVL

Thua nặng, lỗ thảm

Bên cạnh nhiều đại gia ăn nên làm ra, báo lãi nghìn tỷ đồng, thị trường vẫn có những đại gia báo lỗ lớn trong hai quý đầu năm. Đáng chú ý trường hợp khiến giới bất động sản bất ngờ là mức lỗ nặng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) trong kỳ này. Trong giải trình về kết quả sản xuất kinh doanh quý II/2017, HDG cho hay, trong quý này, doanh thu đạt 756,7 tỷ đồng, tăng tới 283% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận sau thuế cũng đạt 5,6 tỷ đồng, tăng tới gần 500% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, HDG lại báo lỗ nặng gần 27 tỷ đồng, dù doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2017 tăng 140% so cùng kỳ, đạt hơn 894 tỷ đồng. Số lỗ này cũng cao gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, năm 2017, HDG đặt mục tiêu tổng doanh thu 2,812 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận sau thuế dự kiến khoảng 244.7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả năm 2016. Như vậy, 6 tháng đầu năm doanh thu của HDG còn cách xa vời vợi kế hoạch cả năm.

Theo thống kê, 10 doanh nghiệp có tổng giá trị tồn kho lớn nhất là 115.425 tỷ đồng. Còn theo số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến cuối tháng 5, tổng giá trị tồn kho của thị trường bất động sản là khoảng 27.894 tỷ đồng. Trong số này, giá trị tồn kho cao nhất tập trung ở phân khúc đất nền với 13.203 tỷ đồng, tương đương 3.375.871m2. Tiếp đến là tồn kho nhà thấp tầng với 3.492 căn, tương đương 7.379 tỷ đồng; 3.325 căn hộ chung cư với giá trị 4.832 tỷ đồng; đất nền thương mại 648.139m2 với 2.480 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An (PXA) lại chứng kiến từ việc lãi sau thuế 6 tháng năm 2016 không đáng kể gần 7 triệu đồng sang lỗ 4,13 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2017. Theo lãnh đạo công ty, doanh thu và thu nhập kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm cũng khá “thảm” khi giảm 75,4% (giảm 9,6 tỷ đồng), doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm mạnh 98,5% (giảm 137 triệu đồng). Trong khi giá vốn bán hàng, chi phí hoạt động tài chính giảm thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng. Mặc dù vậy, so với mức lỗ cả năm 2016 là 20 tỷ đồng, con số lỗ của 6 tháng năm nay đã được tiết giảm. Tuy nhiên, trong cả năm nay, công ty vẫn đặt mục tiêu lỗ hơn 20 tỷ đồng như năm 2016 và được 99,6% số phiếu có quyền biểu quyết thông qua.

Cổ phiếu PVL của Công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí gần 1 tháng qua rơi mạnh và lâm vào cảnh lình xình sau khi lộ thông tin về kết quả kinh doanh. Trong kỳ báo cáo này, công ty cũng tăng khoản lỗ trong 6 tháng thêm hơn 4 tỷ đồng, khiến lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 30/6 lên 194,2 tỷ đồng. PVL cho hay, trong quý II/2017 chi phí quản lý của doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là chi phí tiền lương tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, đầu năm 2017 công ty không có khoản thu nhập khác từ tiền phạt thanh lý hợp đồng khoảng 100 triệu đồng và không có khoản hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng đầu tư khoản 1 tỷ đồng như cùng kỳ năm 2016...

Vay nợ nhiều, tồn kho lớn

SJS là ông lớn có vốn chủ sở hữu hơn 2 nghìn tỷ nhưng quý II/2017 đơn vị chỉ lãi hơn 13,4 tỷ đồng so với 145,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 6 tháng đầu năm chỉ lãi 15,4 tỷ đồng so với mức 163,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, hàng tồn kho của đại gia bất động sản này tăng từ 2.659,7 tỷ đồng đầu năm lên 2.826,5 tỷ đồng (con số sau khi đã trích lập dự phòng). Theo báo cáo của công ty, tính đến ngày 30/6, tổng hàng tồn kho của công ty là 2.831,1 tỷ đồng, trong đó dự án khu đô thị Nam An Khánh cao nhất là 2.629,8 tỷ đồng, tiếp đến là dự án khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì 176,1 tỷ đồng và các dự án khác 25,1 tỷ đồng.

Trong số các đại gia bất động sản trên sàn tồn kho và vay nợ lớn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No va (Novaland - NVL) với hàng tồn kho tính tới ngày 30/6 lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng (tăng mạnh 26% so với đầu năm). Trong đó, 19.100 tỷ đồng là bất động sản đang xây dựng, 686 tỷ đồng là bất động sản đã hoàn thành và 234 tỷ đồng hàng hóa bất động sản. NVL cũng là đơn vị có số vay nợ lớn trong top 10 với 6.348 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 8.772 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Theo thống kê của PV Báo Giao thông, top 10 doanh nghiệp vay nợ cao nhất tính đến ngày 30/6 có vay nợ ngắn hạn là 22.087 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 51.124 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.