Quản lý

“Khoảng trống” lớn trong bảo trì đường bộ

28/03/2017, 08:07

Sau khi các Ban QLDA Bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT được chuyển về UBND tỉnh, thành phố kéo theo nhiều bất cập...

14

Nếu không có Ban quản lý bảo trì sẽ không có lực lượng giám sát nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ (Trong ảnh: Đất đá rơi vãi trên QL1, đoạn qua xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình từ lâu không được thu dọn) - Ảnh: Khánh Linh

Sau khi các Ban Quản lý dự án Bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT được chuyển về UBND tỉnh, thành phố và đổi thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, kéo theo nhiều bất cập trong quản lý bảo trì đường bộ.

Thiếu người giám sát nhà thầu bảo trì

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 59/2015 về quản lý đầu tư xây dựng, nhiều tỉnh, thành phố đã chuyển các Ban Quản lý dự án (QLDA) của Sở GTVT về trực thuộc UBND tỉnh, thành phố và đổi thành Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành. Điều đáng nói, các Ban này trước đây ngoài việc quản lý dự án đầu tư, một nhiệm vụ quan trọng nữa chính là giám sát, kiểm tra, đôn đốc nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ thực hiện các công việc bảo dưỡng thường xuyên và đảm bảo ATGT. Nay, hầu hết các ban này chỉ làm nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng, còn nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng thường xuyên bị “bỏ ngỏ”.

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, theo quy định trước đây, Ban QLDA bảo trì là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GTVT. Các Ban này, bên cạnh nhiệm vụ quản lý dự án sửa chữa đường bộ còn thực hiện một phần công tác quản lý nhà nước như tuần kiểm, kiểm tra, giám sát nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, quản lý hành lang đường bộ, theo dõi đếm lưu lượng xe. Tuy nhiên, sau khi các Ban này chuyển đi, các Sở GTVT không còn đơn vị sự nghiệp làm công tác bảo trì mà nhiệm vụ này được giao cho Phòng Quản lý giao thông.

“Với một Phòng Quản lý giao thông, cán bộ là công chức chủ yếu làm công tác tham mưu xây dựng chính sách với chưa đầy chục người, nay họ phải gánh vác công việc khổng lồ với hàng trăm km đường quốc lộ ủy thác và trên dưới 1.000km đường tỉnh, sẽ không có lực lượng để kiểm tra, giám sát nhà thầu. Vì không có ban này, nên nhiều Sở GTVT đang bị chậm trễ trong quá trình phê duyệt dự án, phê duyệt các thủ tục cho kế hoạch bảo trì năm 2017. Điều này khiến các dự án chậm được sửa chữa, gây nguy cơ mất ATGT cao”, ông Điệp nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Đại, Phó giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho rằng, việc quản lý bảo trì vẫn phải gắn với công tác quản lý nhà nước của Sở. Chỉ một cái “ổ gà” mà phải đi ký hợp đồng với Ban QLDA đầu tư của tỉnh, rồi phải qua đấu thầu, trải qua nhiều thủ tục sẽ mất nhiều thời gian, không được xử lý ngay sẽ thành “ổ voi”.

Ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết, quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 59, khối lượng công việc thuộc công tác sửa chữa có khối lượng nhỏ, dưới 5 tỷ đồng, Sở GTVT được sử dụng cơ quan chuyên môn để tổ chức thực hiện quản lý dự án. Các khối lượng còn lại giá trị dự án sửa chữa trên 5 tỷ đồng, Sở GTVT phải hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc các tổ chức tư vấn QLDA khác đủ điều kiện.

“Quy định như vậy chỉ phù hợp đối với các dự án có thời gian tổ chức thực hiện một cách tuần tự từng khâu, từng bước của quá trình đầu tư xây dựng đúng trình tự quy định của Luật Xây dựng bao gồm từ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; Lập thẩm định phê duyệt dự án; Thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu”, ông Nguyễn Đình Giang nói và cho biết, việc thực hiện đúng trình tự xây dựng cơ bản sẽ không đáp ứng được đòi hỏi cấp bách về thời gian hoàn thành của công tác đảm bảo giao thông là thông xe theo giờ, trong ngày, trong tuần. Đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi, biên giới có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh.

Cần cơ chế đặc thù

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đã báo cáo Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù thí điểm trong công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ. Trong đó, nội dung cho phép thành lập và duy trì Ban quản lý bảo trì công trình đường bộ tại các Sở GTVT để quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác và tổ chức bảo trì các tuyến đường quốc lộ được ủy thác, đường tỉnh, đường đô thị và các tuyến được giao là cấp thiết nhất.

"Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng thì công việc quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ không phải là công tác đầu tư xây dựng. Do đó, công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo dưỡng, bảo trì công trình đường bộ không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực quy định tại Nghị định số 59 của Chính phủ”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

“Việc thành lập Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ là đơn vị sự nghiệp phù hợp với thực tế, không làm tăng biên chế hành chính công, không tăng chi ngân sách. Do các Ban là đơn vị sự nghiệp, tự chủ hoạt động từ nguồn quản lý dự án bảo trì. Đồng thời, không trái với cơ cấu tổ chức của Sở GTVT được quy định tại Thông tư liên tịch số 42 của Bộ GTVT - Bộ Nội vụ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về giao thông tại UBND cấp tỉnh, huyện”, ông Huyện nói.

Ông Nguyễn Đình Đại cho biết, khi Ban thuộc Sở, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Sở, thực hiện một phần nhiệm vụ quản lý nhà nước như tuần kiểm, giao nhiệm vụ đột xuất có thể thực hiện được ngay, thuận tiện cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, đây là đơn vị sự nghiệp, nguồn thu được trích từ chi phí quản lý dự án sửa chữa, hay nói cách khác là tự nó nuôi nó. Vì vậy, cấp thiết cần có Ban Quản lý bảo trì đường bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.