Hạ tầng

Khởi công 2 dự án nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất ngay tháng 6

03/06/2020, 16:30

Đây là khẳng định của Bộ GTVT trong thông cáo báo chí mới nhất phát đi chiều nay (3/6).

img
Đường băng sân bay Tân Sơn Nhất xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên phải sửa chữa, trám vá

Không kịp thời sửa chữa nâng cấp có thể phải dừng khai thác bất cứ lúc nào

Theo Bộ GTVT, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 cảng hàng không lớn nhất của cả nước.

Năm 2019, hai cảng này đã phục vụ 70,5 triệu lượt hành khách trên tổng số 116,5 triệu lượt hành khách qua 22 cảng hàng không của cả nước, chiếm 60,5% tổng sản lượng hành khách.

Đây là 2 cảng hàng không có vai trò rất quan trọng trong việc giao thương trong nước và quốc tế, phục vụ các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung.

Từ năm 2017 đến nay, do phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn (như A350-900, B787-9, B787-10) nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay này xuống cấp nghiêm trọng.

“Nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời có thể phải dừng khai thác hoạt động bay, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế, chính trị tại 2 sân bay cửa ngõ lớn của đất nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước cũng như gây mất an toàn, an ninh hoạt động Hàng không”, Bộ GTVT khẳng định.

Cũng theo Bộ GTVT, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với CHKQT Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Do vậy, việc phải đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại đây là hết sức cấp bách.

Thống nhất dùng vốn ngân sách thực hiện dự án theo lệnh khẩn cấp

img
Đường lăn sân bay Nội Bài hằn lún theo vệt bánh tàu bay

Trước tình hình cấp bách phải đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã “thống nhất sử dụng một phần nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2019 để đầu tư cải tạo đường cất hạ cánh và đường lăn của các CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019; trong đó bố trí 828 tỷ đồng cho 02 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hiện tại Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long khẩn trương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án này.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khả thi, ngày 22/5/2020 Bộ GTVT đã có Quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài do Ban QLDA Thăng Long trình duyệt và Quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng HKQT Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cửu Long trình duyệt.

Chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm

img
Hệ thống đường lăn, đường băng sân bay Nội Bài

Theo ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT: Đây là 2 dự án vừa thi công, vừa khai thác các Cảng hàng không.

Do đó Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo để thực hiện Dự án, trong đó Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ trực tiếp đối với các cơ quan đơn xây dựng phương án tổ chức thi công hợp lý nhất đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh trong quá trình thi công, đồng thời đảm bảo chất lượng, tiến độ của Dự án.

Về việc lựa nhà thầu xây lắp, ông Lâm cho biết tiêu chí quan trọng là phải đảm bảo đủ năng lực và kinh nghiệm thi công 2 dự án này theo những quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, Nhà thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ của dự án; về kinh nghiệm phải đảm bảo đã từng thi công công trình tương tự.

”Công tác này đang được khẩn trương thực hiện để tiến hành giao thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi công vào cuối tháng 6/2020”, ông Lâm thông tin.

Việc khẩn trương khởi công 2 dự án đầu tư công khẩn cấp cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong giai đoạn này ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực khai thác 2 sân bay, còn thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT và các đơn vị ngành hàng không trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 thành công, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tổng mức dự án của 2 dự án là hơn 4.046 tỷ đồng, trong đó, cảng HKQT Nội Bài là hơn 2.031 tỷ đồng, cảng HKQT Tân Sơn Nhất hơn 2.015 tỷ đồng.

Thời gian xây lắp từ năm 2020 đến năm 2021, thời gian hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.

2 dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Tại văn bản số 626/TTg-CN ngày 27/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật để triển khai thực hiện.

Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban QLDA Thăng Long là đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài, Tổng công ty Cửu Long là đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.