Đời sống

Khởi công khu tái định cư cho người dân mất nhà do sạt lở Trà Leng

22/12/2020, 14:39

UBND huyện Nam Trà My vừa khởi công xây dựng khu tái định cư cho đồng bào mất nhà trong vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng.

img

Khu tái định cư cho đồng bào gặp nạn ở Trà Leng đang được xây dựng

Nhà mới sau thảm họa

Ngày 22/12, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, sáng cùng ngày, UBND huyện đã tổ chức khởi công khu tái định cư cho đồng bào bị mất nhà trong vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn 1 xã Trà Leng.

Theo ông Mẫn, huyện đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm để lập khu tái định cư cho bà con. Đến nay, huyện đã chọn được vị trí bãi đất an toàn với diện tích 6ha tại thôn 2 xã Trà Dơn và nằm cách UBND xã Trà Leng khoảng 800 mét để xây dựng khu tái định cư.

Khu vực này sẽ phân 80 lô đất, mỗi lô có diện tích 200 mét vuông. Trước mắt huyện sẽ hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng đến tái định cư với mức 150 triệu/1 hộ từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ủng hộ của mạnh thường quân.

Ngay sau khi thi công xong mặt bằng, huyện Nam Trà My sẽ tập trung đầu tư hạ tầng dân sinh như điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông liên gia để bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Trước đó, chiều 28/10, sau nhiều ngày mưa như trút nước, quả đồi tại thôn 1 xã Trà Leng bất ngờ sạt lở với khối lượng hàng nghìn m3, chôn vùi cả một ngôi làng với hàng chục nhân khẩu. 33 người may mắn thoát chết. 22 người đã vĩnh viễn ra đi. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 13 thi thể chưa tìm thấy.

Sau sạt lở, điểm trường nóc Ông Lục thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng trở thành nhà chung của mười một hộ dân gặp nạn.

Ký ức không quên ở Trà Leng

Có mặt ở Trà Leng những ngày này, PV Báo Giao thông không quên cảm giác khi có mặt tại đây đêm 28/10.

Nửa đêm, cơn bão số 9 vừa qua đi, chúng tôi, những phóng viên thường trú tại khu vực miền Trung lại lập tức khăn gói lên đường khi nhận được thông tin về một vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn 1, xã Trà Leng.

Những tưởng chúng tôi sẽ là những người đến hiện trường sớm nhất. Nhưng không, tuyến đường QL40B vẫn còn ngổn ngang cây đổ, đất đá sạt lở sau trận cuồng phong lịch sử. 2h sáng, Đoàn Công binh thuộc Quân khu 5 cật lực mở đường đưa xe cơ giới vào hiện trường.

Là một trong những chiến sĩ trẻ nhất làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn ở Trà Leng, Đào Anh Vũ (19 tuổi, Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam) vẫn nhớ như in chuyến hành quân băng qua “lưỡi hái tử thần” để đến với đồng bào gặp nạn.

Suốt 10 tiếng đồng hồ, đoàn quân phải băng qua nhiều điểm sạt lở để vào đến hiện trường. Bên đường, cây cối nằm rạp, những tảng đá khổng lồ nhăm nhe như muốn đổ ụp xuống, dây leo chằng chịt giăng lối. Tuy nhiên, tất cả không ngăn được bước chân của các anh.

Mỗi khi có dấu vết mới, các chiến sĩ lại tập trung thành vòng, họ tăng tốc cào bùn, dọn đá. Tất cả đều bằng đôi tay trần, mọi hành động vừa nhanh lẹ, khẩn trương nhưng phải hết sức nhẹ nhàng, bởi ở dưới lớp đất ấy là người dân, là đồng bào không may nằm lại.

Mạnh mẽ, kiên cường là thế, thiên tai khốc liệt cũng không làm các anh nao lòng. Nhưng đôi chân các anh lại ngã quỵ khi những thi thể đồng bào lần lượt được tìm thấy dưới đống hoang tàn đổ nát.

Những người lính như nghẹn đi, bởi một thi thể được tìm thấy là những tia hy vọng mong manh “biết đâu bà con chạy thoát được” lại ít dần.

Chắc chắn, nếu hôm nay, các anh có mặt tại đây, chứng kiến một vùng đất hồi sinh, những người lính ấy sẽ yên lòng.

Sau thảm họa, nhiều gói cứu trợ của Chính phủ, của các nhà hảo tâm đã được triển khai tại vùng đất từng chứng kiến mất mát thương đau.

Những ngôi nhà mới sẽ khang trang mọc lên tại các khu đất an toàn, sẽ bớt đi những mái nhà tựa lưng vào suối, vào núi, sẽ bớt đi những hiểm họa bỗng đâu ập đến chỉ bởi thiên tai khó lường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.