Thông tin doanh nghiệp

Khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

08/01/2021, 08:03

Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN - chủ đầu tư) sẽ khởi công xây dựng ngày 10/1/2021.

img

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc (hàng trên, thứ hai từ phải), Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đại diện liên danh nhà thầu nhận hợp đồng gói thầu 1XL-HB từ phía chủ đầu tư hôm 15/12/2020

Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà thầu (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 47 - Công ty CP Lilama10) đảm nhiệm thi công gói thầu 1XL-HB trị giá hơn 3.100 tỷ đồng thuộc dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Công trình trọng điểm này do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN - chủ đầu tư) sẽ khởi công xây dựng ngày 10/1/2021.

Tiếp nối truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng

Chỉ vài ngày sau lễ khởi công hai dự án giao thông tầm cỡ ở khu vực phía Nam là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và sân bay Long Thành, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tiếp tục trở lại phía Bắc để bắt tay vào thi công một công trình hạ tầng trọng điểm khác là dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Phần việc của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cùng hai nhà thầu khác trong liên danh tại dự án này là tổ chức thi công gói thầu 1XL-HB, gói thầu lớn nhất của dự án với giá trị lên đến hơn 3.100 tỷ đồng.

Phải nói rằng, dù dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình có quy mô rất lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, điều kiện thi công lại phức tạp nhưng chừng đó là chưa đủ để làm khó một nhà thầu dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công các công trình thủy điện như Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

Bởi, cũng trên mảnh đất này, cách đây hơn 40 năm, những người lính Bộ đội Trường Sơn (tiền thân của Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) đã cùng hơn 4 vạn công nhân Việt Nam và hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp xây dựng thành công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên dòng sông Đà trong những điều kiện còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Kế tục và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, trải qua hàng thập kỷ hoạt động, đến nay, lực lượng của Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ những nơi khó khăn gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đến các địa bàn chiến lược quan trọng để tham gia thi công nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Đáng kể nhất là các công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Bản Chát ở khu vực Tây Bắc; Thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok ở khu vực Tây Nguyên; Thủy điện Thác Mơ mở rộng ở Bình Phước…

Ngoài mũi nhọn thi công các công trình thủy điện quy mô lớn, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn đóng vai trò nhà thầu tại hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45…

Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất của Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn so với các doanh nghiệp thuần túy trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, bởi nhìn vào danh sách những công trình đã từng thực hiện, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chủ yếu lựa chọn thi công các dự án quy mô lớn đòi hỏi nhiều năng lực, kinh nghiệm, yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật cao.

Từ bề dày truyền thống của một doanh nghiệp quân đội anh hùng kết hợp với uy tín và năng lực thi công đã được khẳng định qua thực tiễn đã tạo nên điểm tựa vững chắc giúp Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thắng thầu rất nhiều công trình xây dựng hạ tầng lớn trên cả nước suốt nhiều năm qua, gần nhất chính là gói thầu 1XL-HB trị giá hơn 3.100 tỷ đồng thuộc dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Tham gia thi công gói thầu lớn nhất của dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, ngoài Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu còn có sự góp mặt của hai doanh nghiệp khác cũng có nhiều kinh nghiệm thi công một số công trình thủy điện là Công ty CP Xây dựng 47 và Công ty CP Lilama10.

Phạm vi công việc của liên danh nhà thầu tại gói thầu này bao gồm từ xây dựng công trình thủy điện, xây dựng 2 đường hầm dẫn nước, đến việc lắp đặt toàn bộ thiết bị nhà máy và đường ống áp lực bằng thép trong hầm…

Đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ thuật công trình

img

Dự án Thủy điện Lai Châu do Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tham gia làm nhà thầu thi công

Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ: “Tham gia thi công công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng là vinh dự lớn nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề và trách nhiệm lớn lao của liên danh nhà thầu. Đây là công trình có ý nghĩa KT-XH sâu sắc, quy mô và khối lượng công việc của gói thầu rất lớn, yêu cầu tiến độ hết sức khẩn trương. Hơn nữa, nhiều hạng mục thuộc dự án sẽ phải thi công trong điều kiện khó khăn phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao”.

“Đặc biệt, dự án vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn cho thủy điện đang khai thác và các công trình lân cận. Tuy nhiên, với năng lực và bề dày kinh nghiệm, nhất định chúng tôi sẽ hoàn thành công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, an toàn lao động, ATGT và vệ sinh môi trường”, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc nói và cho biết, ngay từ khi thời điểm ký kết hợp đồng với chủ đầu tư (15/12/2020), Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cùng với hai nhà thầu trong liên danh đã tập trung nguồn lực, tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực để tập trung tổ chức triển khai thi công ngay khi dự án được tổ chức khởi công từ 10/1/2021.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, ngoài năng lực và kinh nghiệm, một yếu tố khác góp phần tạo nên uy tín và danh tiếng cho Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn so với các nhà thầu thuần túy đó là nét văn hóa của một doanh nghiệp quân đội.

“Chúng tôi luôn bảo đảm tính kỷ luật cao trên công trường, thi công đến đâu gọn đến đó. Đặc biệt, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn thực hiện tốt công tác dân vận xã hội”, Đại tá Ngọc chia sẻ và dẫn chứng, có những dự án, gói thầu khi Binh đoàn 12 triển khai thi công được người dân rất ủng hộ, tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Dù chưa đền bù nhưng người dân vẫn sẵn sàng bàn giao mặt bằng để đơn vị thực hiện công trình.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN - chủ đầu tư) cho biết, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được đầu tư xây dựng trên diện tích 99,62ha, nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình.

Dự án có quy mô xây dựng 2 tổ máy (2 x 240 MW) 480 MW; Xây dựng mới tuyến năng lượng: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối…

Thiết bị chính của nhà máy gồm hai tuabin kiểu Francis với công suất lắp máy 480 MW; hai máy phát điện đồng bộ công suất 240 MW, sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm.

“Đây là công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện. Đồng thời, dự án còn nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia”, đại diện EVN cho biết.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) được giao làm đại diện chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 9.220,8 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại là nguồn vốn vay thương mại không bảo lãnh Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.