Giao thông

Khởi động Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT do Australia tài trợ

09/02/2018, 16:50

Australia tài trợ Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017-2021 cho Việt Nam.

ky-ket-chuong-trinh-ho-tro-GTVT

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick ký Thỏa thuận Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật ngành GTVT

Chiều nay (9/2), tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick đã ký Thỏa thuận tài trợ Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017-2021 do Chính phủ Australia tài trợ.

Thỏa thuận này được coi là Thỏa thuận bổ sung của Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia ký ngày 27/5/1993. Thỏa thuận này nhằm mục đích góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo tại Việt Nam thông qua cải thiện chất lượng KCHTGT.

Đây là chương trình viện trợ trị giá 30 triệu đô la Australia, hỗ trợ việc xây dựng các dự án ngành giao thông ở Việt Nam. Chương trình này sẽ cung cấp ngân sách và nguồn lực cho các dự án giao thông mới, từ giai đoạn xây dựng ý tưởng cho tới khi công trình bắt đầu thực hiện. Chương trình cũng giúp tăng cường hợp tác đối tác giữa các tổ chức của Australia trong lĩnh vực giao thông và Bộ GTVT nhằm chia sẻ những kinh nghiệm mà Australia luôn dẫn đầu trong ngành, ví dụ như xây dựng kế hoạch ngành giao thông, kế hoạch tài chính cho hạ tầng và an toàn giao thông.

Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật ngành GTVT sẽ thực hiện trong thời gian từ 2018 đến 2022 và kỳ vọng sẽ hỗ trợ năm dự án lớn về đường xá. Tuy nhiên, tác động của chương trình sẽ còn vượt xa hơn những dự án này bằng việc đưa ra minh chứng về các mô hình và chính sách mới giúp gia tăng hiệu quả vốn đầu tư trong tất cả các lĩnh vực của ngành GTVT ở Việt Nam.

Tại lễ ký, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết, Chính phủ Australia đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giao thông trong một thời gian dài, bắt đầu từ cây cầu Mỹ Thuận thông xe năm 2001, cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam; và giờ đây là cầu Cao Lãnh đang chuẩn bị được khánh thành.

“Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật ngành GTVT đánh dấu một giai đoạn mới trong chương trình viện trợ của chúng tôi. Chúng tôi làm việc với Việt Nam để đảm bảo rằng các dự án sẽ được ngân hàng chấp thuận thu hút được đầu tư tài chính quốc tế và việc thực thi được tiến hành nhanh chóng. Chúng tôi muốn giúp Việt Nam sử dụng hiệu quả đồng tiền trong những dự án của mình bằng những thay đổi cải cách phù hợp”, Đại sứ nói.

Hoi-dam-Bo-truong-bo-GTVT-Dai-su-Australia

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick hội đàm và thống nhất sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác, góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định quan hệ Việt Nam – Australia đã phát triển mạnh mẽ trong hơn 45 năm qua. Từ năm 1997 đến nay, Chính phủ Australia thông qua Bộ ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã và đang đồng tài trợ (chủ yếu là viện trợ không hoàn lại) với tổng trị giá gần 300 triệu USD với các dự án như Dự án cầu Mỹ Thuận, Dự án thành phần 1A thuộc Dự án Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL, Dự án cầu Cao Lãnh, Dự án hỗ trợ kỹ thuật Phát triển hợp tác đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông. Trong đó, công trình cầu Mỹ Thuận là biểu tượng và là minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác bền chặt và ngày càng phát triển hai nước.

“Với việc tổ chức ký thỏa thuận Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật ngành GTVT, tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ chuẩn bị đầu tư các dự án do Bộ GTVT quản lý và tiếp tục nâng cao năng lực ngành GTVT nhằm cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng GTVT, tiếp tục đóng góp vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và giảm nghèo tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick đã tiến hành hội đàm và thống nhất sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác, góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước ngày càng phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.