Vận tải

Khởi sắc sau "bão" Covid-19, doanh nghiệp vận tải chưa hết lo

19/05/2022, 10:00

Hoạt động kinh tế, du lịch, thương mại dần phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng vận tải hành khách tuyến cố định còn nhiều nỗi lo.

Hết cảnh hoạt động cầm chừng

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Hải Phòng và Hà Nội, doanh nghiệp vận tải Đất Cảng, chuyên tuyến Hải Phòng - Yên Nghĩa (Hà Nội) buộc phải dừng hoạt động theo chỉ đạo từ chính quyền địa phương.

Lái xe nghỉ việc để tìm kiếm công việc mới, doanh thu không có trong khi các phương tiện vẫn cần bảo dưỡng thường xuyên, chi phí ngân hàng phải trả đều mỗi tháng, doanh nghiệp tưởng chừng phải ngừng hoạt động.

img

Vận tải hành khách tuyến cố định khởi sắc trở lại sau dịch Covid-19

“Thậm chí, khi tình hình dịch bớt “nóng”, doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng nhưng càng chạy càng lỗ. Hành khách không nắm được lịch xe điều chỉnh, đa phần chuyển sang các hình thức di chuyển khác. Khó khăn trăm bề”, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng chia sẻ.

“Đến nay, tuy chưa thể đạt được 100% số chuyến như trước nhưng doanh nghiệp đã có doanh thu. Chúng tôi sẽ thay mới phương tiện, nâng cấp dịch vụ đón, trả khách tại nhà để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác”, ông Hải chia sẻ thêm.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát sở hữu hãng xe Sao Việt, chuyên tuyến Hà Nội - Lào Cai cũng cho biết, hiện nay, tuyến xe của doanh nghiệp đã phục hồi được 60% sản lượng, gấp đôi so với năm 2021.

Để khách yên tâm, nhà xe quán triệt việc thực hiện nghiêm biện pháp “5K”, thường xuyên khử khuẩn phương tiện, nhắc nhở lái xe và hành khách đeo khẩu trang suốt hành trình.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), nhu cầu đi lại của hành khách tuyến cố định đã có sự phục hồi lớn.

Theo thống kê, lượng khách di chuyển từ các khu vực đồng bằng đến Trung du miền núi đạt 80 - 90% so với trước dịch, khách đi từ các tỉnh đến các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng tăng nhưng ít hơn.

Riêng các chuyến xe liên tỉnh xuất phát từ Hà Nội, TP.HCM hiện mới đạt 30% trong các ngày thường và tăng lên 80 - 90% trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Trong khi đó, số lượng xe của các công ty ký hợp đồng vận tải tuyến cố định vào các bến vẫn còn từ 10 - 20% chưa quay lại hoạt động.

Chưa hết khó

Ông Đỗ Văn Bằng cho biết, nguyên nhân khiến lượng khách chưa phục hồi mạnh là do tâm lý e ngại sau dịch Covid-19, khách lựa chọn đi xe cá nhân nhiều hơn.

Cùng với đó, đặc thù của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt các tỉnh có biên giới với Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến việc giao thương bị đình trệ.

Lượng khách hạn chế trong khi giá xăng, dầu tăng đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn.

“Giá nhiên liệu tăng nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá cước vì sợ mất khách, nhất là khi bến xe khách đã được chuyển ra xa thành phố”, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho biết thêm.

Theo ông Hải, Hà Nội cần bố trí các điểm đón, trả khách dọc đường cho các tuyến vận tải hành khách cố định, tương tự như xe bus. Bởi nhiều bến xe ở xa, khách hàng ngại vào bến có thể đứng tại các điểm này chờ xe, tránh tình trạng bắt khách dọc đường gây mất ATGT.

Ông Đỗ Văn Bằng cũng kiến nghị Bộ Công thương và Chính phủ xem xét bình ổn giá xăng, dầu góp phần giảm bớt áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Văn Quyền đề nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến… góp phần đảm bảo ATGT và tạo môi trường vận tải công bằng.

Ngoài ra, theo ông Quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử…

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế, du lịch mở cửa trở lại, vận tải hành khách tuyến cố định hiện đã có nhiều tín hiệu lạc quan và kết quả tốt.

Tuy nhiên, trước những khó khăn về giá xăng, dầu và sự cạnh tranh từ các loại hình vận tải trá hình khác, các doanh nghiệp vận tải cần năng động hơn, hạch toán lại chi phí hoạt động, điều chỉnh giá vé và đổi mới hình thức hoạt động, mở thêm dịch vụ đón, trả khách tại nhà để tăng khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nên cân đối lại các loại thuế, phí; đa dạng các nguồn cung nhằm giúp bình ổn giá xăng, dầu.

Theo Bộ GTVT, qua đánh giá những tác động của biến động giá nhiên liệu với giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực, trong đó có vận tải đường bộ, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét quyết định miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các Bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế, ưu tiên các doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, tại Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Giáp Bát, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 12.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 200 - 300% so với ngày thường.

Trong khi tại Bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm cũng đạt khoảng 5.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 200% so với ngày thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.