Vận tải

Khơi thông “luồng xanh” tiêu thụ nông sản

20/08/2021, 15:34

Việc khơi thông “luồng xanh” đường bộ và đường thủy là giải pháp cấp thiết cho việc thu hoạch, tiêu thụ hàng nông sản trong mùa dịch.

"Luồng xanh" đường bộ thông, đường thuỷ chưa thoáng

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố phía Nam về thúc đẩy vận chuyển tiêu thụ hàng nông sản và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tại, vụ Hè Thu tại các địa phương khu vực phía Nam đã thu hoạch được 820.000ha. Diện tích lúa chưa thu là 690.000 ha đang ở giai đoạn đòng trổ và chín.

img

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đồng chủ trì cuộc họp

Dự kiến việc thu hoạch sẽ nở rộ từ trong tháng 8 và tháng 9/2021. Công tác thu mua cũng không thể kéo dài, tránh sự ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản ở các địa phương phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL vẫn gặp nhiều trở ngại do lực lượng công nhân lao động tại các nhà máy chế biến; nhân công thu hoạch nông sản với đặc thù phải di chuyển qua nhiều địa phương và xe chở hàng hóa nông sản di chuyển ở các tuyến quốc lộ qua nhiều tỉnh gặp nhiều khó khăn khi các tỉnh, thành áp dụng quy định kiểm soát dịch bệnh khác nhau (theo tính chất, mức độ).

"Thống kê đến thời điểm hiện tại, hệ thống cấp thẻ “luồng xanh” đã cấp gần 400.000 giấy nhận diện cho các phương tiện. Như vậy, phương tiện chuyển hiện đủ số lượng đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa ngành nông nghiệp, thương mại. Nếu địa phương nào thiếu phương tiện vận chuyển hàng nông sản cần kịp thời đề nghị Bộ GTVT hoặc có ý kiến trực tiếp với Tổng cục để điều phối phương tiện ngay lập tức", bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN.

Trong khi đó, theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hiện tại, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, một số địa phương triển khai phân vùng theo từng mức độ: vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng và vùng xanh. Có những nông dân nhà ở một nơi, ruộng một nẻo, quá trình di chuyển từ nơi ở ra ruộng đồng qua nhiều xã. Trong đó, có xã yêu cầu giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 nhưng có xã lại yêu cầu xét nghiệm PCR, gây bất lợi cho quá trình di chuyển, canh tác của người dân.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thì cho biết, việc vận chuyển hàng nông sản từ nhà máy đi các kho, cảng có 2 nhóm: nhóm vận tải bộ và vận tải thủy.

Hiện nay, nhóm vận tải bộ đã công bố luồng xanh, các phương tiện lưu thông tương đối thuận lợi, nhanh chóng với mức độ an toàn cao (95% lái xe được test lại QR code đều cho kết quả âm tính Covid-19)

Tuy nhiên, giao thông đường thủy hiện rất phức tạp, trong lúc giao thông đường bộ bị kiểm soát chặt chẽ, nhiều trường hợp thuyền viên trên phương tiện chở hàng hóa đi trên đường thủy vẫn bị phát hiện dương tính Covid-19.

“Trước thực trạng đó, Cục Đường thủy nội địa VN cần nghiên cứu, sớm ban hành giải pháp cấp mã QR Code “luồng xanh” đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát, kiểm tra người tham gia vào quá trình vận tải nói chung và vận chuyển hàng hóa nông sản ở khu vực ĐBSCL nói riêng”, ông Thư đề xuất.

img

Thiết lập điểm tập kết hàng hoá tập trung được coi là giải pháp cấp bách cần thực hiện để vừa tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, vừa phục vụ quá trình truy vết trong trường hợp có ca nhiễm hiệu quả - Ảnh: Cà Mau Online

Thiết lập điểm tập kết hàng hóa, hình thành chốt xét nghiệm lưu động đường thủy

Ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện tại, đơn vị đã chỉ đạo các cảng vụ phối hợp với các Sở GTVT chỉ đạo cảng vụ đường thủy địa phương thực hiện thông thoáng thủ tục cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản; Phối hợp yêu cầu các doanh nghiệp xét nghiệm cho các thuyền viên tham gia vận tải,…

“Tuy nhiên, để giao thông đường thủy nội địa được thông suốt, các địa phương cần hướng dẫn người dân tập trung hàng hóa về một cảng đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác gom hàng, lấy hàng trên tuyến chính”, ông Đạo nói.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Tổ phó Tổ Công tác đặc biệt về bảo đảm các hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GTVT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng tạo điều kiện cho hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng được lưu thông thuận lợi.

Trong đó, nếu các địa phương không phải trong vùng dịch, phương tiện cũng không xuất phát từ vùng dịch thì cho đi trên tất cả các tuyến đường.

Cơ quan chức năng của 19 tỉnh, thành phía Nam phải thống nhất, tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 có văn bản chỉ đạo thực hiện kiểm dịch tại các chốt đến tận cấp xã, đề cập nội dung nào cần kiểm tra tại các chốt, đối tượng nào được lưu thông,…

Trên các tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn, phương án tách chốt ra 2 - 3 vị trí, mỗi vị trí cách nhau khoảng 400 - 500m và kiểm tra mỗi loại xe riêng biệt để tránh việc kiểm tra tập trung gây áp lực tại một điểm, đẫn đến ách tắc giao thông.

Đối với các tuyến đường thủy nội địa, đặc thù thuyền viên di chuyển hành trình dài ngày, các địa phương cần tổ chức thiết lập các tổ xét nghiệm lưu động tại cảng, bến và thông báo rộng rãi để các doanh nghiệp vận tải thủy được biết”, ông Hùng nói.

“Các địa phương có những vị trí hạn chế lưu thông ở mức độ cao cần tổ chức các điểm tập kết hàng hóa theo quy mô cấp xã để nông dân trong khu vực đưa hàng hóa ra tập kết xuất đi. Khi tổ chức điểm tập kết hàng hóa lớn, đông người phải chỉ đạo Ban chỉ đạo cấp xã, huyện đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch và bố trí điểm test nhanh ngay tại đó để lái xe, thương lái thuận tiện”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN đề nghị Sở NN&PTNN các địa phương phải chú ý, đối với các “vùng đỏ” không thể đưa công nhân vào thì phải vận động thu hoạch, đưa ra điểm tập kết đầu mối. Vướng mắc ở công đoạn nào phải báo cáo ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.