Hàng hải

Khơi thông nhiều dự án nạo vét luồng cảng biển

25/02/2021, 07:52

Vướng mắc về thủ tục cấp phép nhận chìm chất nạo vét ngoài biển đang dần được tháo gỡ.

img

Vướng mắc trong thủ tục nhận chìm chất nạo vét luồng hàng hải đang được các cơ quan quản lý Nhà nước nỗ lực phối hợp tháo gỡ

Điều này giúp các dự án duy tu luồng hàng hải không còn bị “mắc cạn” vì thiếu vị trí đổ vật liệu trên bờ.

Hàng loạt dự án nạo vét được cấp phép

Sau thời gian dài hoàn thiện thủ tục, đầu tháng 1/2021, Bộ TN&MT đã phê duyệt hồ sơ, quyết định giao khu vực biển nhận chìm chất nạo vét từ hoạt động duy tu luồng hàng hải cho 4 tuyến luồng gồm: Nghi Sơn, Cửa Hội - Bến Thủy, Cửa Lò và Vũng Áng.

Ông Trần Hữu Khanh, Phó trưởng phòng An toàn hàng hải (ATHH), Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc cho biết, với phạm vi được giao duy tu luồng hàng hải từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, hàng năm, Tổng công ty phải nạo vét với khối lượng khoảng 3.000.000m3 cát, bùn đất tại 10 tuyến luồng.

Những năm trước, vị trí đổ chất nạo vét chủ yếu ở ngoài biển. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, Nghị định 40/2016 của Chính phủ ban hành có hiệu lực, hoạt động đổ chất nạo vét ở biển không còn là đổ chất thông thường mà trở thành hoạt động nhận chìm chất nạo vét, được quản lý rất chặt với nhiều thủ tục phức tạp.

“Một công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải nếu được hội đồng thẩm định thông qua ngay lần đầu cũng phải mất khoảng 250 ngày”, ông Khanh nói và cho biết, dự kiến, luồng Cửa Lò và Cửa Hội - Bến Thủy sẽ được khởi công trong tháng 3/2021, hoàn thành trong tháng 5 - 6/2021; các luồng Nghi Sơn và Vũng Áng sẽ khởi công trong khoảng tháng 4 - 5/2021 và hoàn thành sau đó khoảng 3 tháng.

Tại khu vực phía Nam, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Đình Việt cho biết, năm 2020, đoạn luồng chung thuộc tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (đoạn chung vào nhà máy nhiệt điện Duyên hải) cũng được UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét ngoài biển.

Riêng công trình nạo vét duy tu luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (đoạn Quan Chánh Bố đến luồng cửa biển), cơ quan chức năng cũng đã phê duyệt, cấp giấy phép nhận chìm chất nạo vét và giao khu vực biển, hiện Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Nam đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đang chuẩn bị đấu thầu và tổ chức thi công trong năm 2021.

Ngoài các dự án trên, năm 2021, Tổng công ty bảo đảm ATHH miền Bắc dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thủ tục cho đoạn Lạch Huyện (luồng Hải Phòng), luồng Nghi Sơn và luồng Cửa Lò để thi công đầu năm 2022.

Đối với tuyến luồng Đà Nẵng phải làm công tác làm thủ tục nhận chìm trong năm 2020, hiện đã triển khai thu thập thông tin, khảo sát, quan trắc khí tượng hải văn, đơn vị tư vấn đang khẩn trương thực hiện để hoàn thành việc cấp phép và triển khai thi công trong năm 2021.

Tại khu vực phía Nam, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu hiện không có vị trí trên bờ, các vị trí trên bờ trước đây hiện đã hết trữ lượng. Cục Hàng hải đã chỉ đạo Tổng công ty bảo đảm ATHH miền Nam tiếp tục làm thủ tục xin cấp phép nhận chìm ngoài biển.

Không phải nộp tiền sử dụng biển

Dù việc thực hiện thủ tục nhận chìm chất nạo vét ở biển có chuyển biến tích cực, song ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty bảo đảm ATHH miền Bắc cho rằng, vẫn còn “nút thắt” lớn là các địa phương ven biển chưa có quy hoạch không gian biển và quy hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên biển.

Theo ông Đức, hiện quy hoạch không gian biển chưa có, các đơn vị bảo đảm ATHH khi làm thủ tục nhận chìm chất nạo vét phải đi khảo sát, dò từng địa điểm.

Khi lựa chọn được vị trí hợp lý lại gửi cho địa phương xem xét, xin ý kiến các ngành. Địa phương chấp thuận, đơn vị bảo đảm hàng hải tiếp tục làm hồ sơ trình Bộ TN&MT. Việc xin ý kiến các bộ ngành (Nông nghiệp, Quốc phòng...) lại tiếp tục diễn ra trước khi phê duyệt cấp giấy phép.

Tuy nhiên, khi quy hoạch không gian biển được thiết lập, các cơ quan quản lý sẽ có cơ sở xem xét, xác định, giới thiệu địa điểm và cấp giấy phép để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển sau khi nhận được đề xuất của đơn vị bảo đảm ATHH. Thời gian, thủ tục sẽ được đơn giản hóa ở mức tối đa.

Ông Nguyễn Đình Việt cũng cho biết, để tháo gỡ khó khăn về thủ tục cấp phép nhận chìm chất nạo vét ở biển, Cục Hàng hải VN đã có nhiều kiến nghị với Bộ GTVT và Bộ TN&MT.

Kết quả, ngoài 6 công trình nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải quốc gia đã được cấp phép nhận chìm chất nạo vét ở biển (2 công trình tại miền Bắc và 4 công trình tại khu vực phía Nam), trên cơ sở kiến nghị của các Bộ, ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

“Nghị định quy định tổ chức, cá nhân sử dụng khu vực biển để nhận chìm ở biển không phải nộp hồ sơ đề nghị giao khu vực biển, việc giao khu vực biển sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định cấp Giấy phép nhận chìm ở biển. Việc sử dụng khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét của vùng nước trước cầu cảng, vùng nước quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải và các công trình phụ trợ khác được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng không phải nộp tiền sử dụng biển”, ông Việt thông tin.

Ông Trần Hữu Khanh, Phó trưởng phòng ATHH, Tổng công ty bảo đảm ATHH miền Bắc:
Nghiên cứu kéo dài thời gian cấp phép

Hiện, Giấy phép nhận chìm chất nạo vét ngoài biển của 4 công trình: Nghi Sơn, Cửa Hội - Bến Thủy, Cửa Lò, Vũng Áng chỉ có giá trị đến hết năm 2021. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nạo vét đã cho phép có thể sử dụng các quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quyết định nhận chìm, giao khu vực biển đến thời gian khoảng 3 năm.

Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, tạo cơ chế phê duyệt kế hoạch nạo vét, duy tu luồng hàng hải có đổ chất nạo vét ngoài biển được thực hiện ít nhất liên tục trong 3 năm để tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các hồ sơ, thủ tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.