Góc nhìn

Không chỉ trích Donald Trump, Trung Quốc vẫn hứng "cú đấm thuế" của Mỹ

12/07/2018, 15:26

Bắc Kinh chỉ đạo các cơ quan truyền thông Nhà nước không sử dụng ngôn ngữ “hung hăng” chống lại Tổng thống Mỹ...

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Bắc Kinh chỉ đạo các cơ quan truyền thông Nhà nước không sử dụng ngôn ngữ “hung hăng” chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã tránh né những lời lẽ không hay nhằm vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh thương mại hai nước leo thang.

Né “khẩu chiến”

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay, trong khi các cuộc đàm phán cấp cao nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã thất bại; cả hai bên đang áp dụng một chiến lược không xúc phạm nhau để né những lời hùng biện về lãnh đạo đối phương.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ngày 11/7 đã chính thức công bố danh sách bổ sung 10% thuế đối với khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Có thể có hiệu lực sau cuộc lấy ý kiến công khai kết thúc ngày 30/8, biểu thuế này là cú đấm mới tiếp sau việc áp thuế 25% của Mỹ đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 6/7.

Về thương mại, Bắc Kinh cũng đã đáp trả tương xứng đối với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, chính quyền của ông Tập đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông Nhà nước xem lại cách họ đưa tin về Tổng thống Trump, không sử dụng ngôn ngữ hung hăng đối với nhà lãnh đạo Mỹ.

Mặc dù các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông Nhà nước đã chỉ trích các chính sách thương mại của chính quyền Mỹ, cho đến nay họ đã không đổ lỗi cho Tổng thống Trump hay các quan chức của ông. Hay nói cách khác, Bắc Kinh đang cố tránh một cuộc khẩu chiến có thể có với Washington bởi Trung Quốc lo ngại sẽ tiếp tục hứng chịu cơn thịnh nộ từ Nhà Trắng.

Tuy nhiên, chỉ thị của Bắc Kinh không được công bố chính thức. Các hướng dẫn về việc tuyên truyền này được lưu hành rộng rãi trên mạng xã hội. Hai nhà báo của cơ quan truyền thông chính thống nói với SCMP rằng, cá nhân họ không nhận được chỉ đạo hay hướng dẫn trực tiếp cách viết về ông Trump liên quan đến vấn đề thương mại hai nước nhưng hiểu rằng Bắc Kinh muốn báo của họ làm như vậy.

Về phía Mỹ, ông Trump cũng tránh né những lời chỉ trích nhắm trực tiếp vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng hoặc trực tiếp hoặc thông qua mạng xã hội Twitter nhắc lại rằng, cả hai nhà lãnh đạo “sẽ luôn là bạn bè, bất kể điều gì xảy ra với tranh chấp thương mại của hai nước”.

Trong một thông điệp trên mạng xã hội hồi tháng 4, Tổng thống Trump thậm chí còn ca ngợi những lời hứa tốt đẹp về thuế quan và hàng rào thuế ô tô của Chủ tịch Tập. Nhà lãnh đạo Mỹ còn nói rằng, “chúng ta sẽ cùng nhau đạt được bước tiến lớn”.

Hạn chế nhắc tới “Made in China 2025”

SCMP đưa tin, các cơ quan truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã được hướng dẫn cách hạn chế đề cập và giảm nhẹ tầm quan trọng của cụm từ “Made in China 2025”, chính sách phát triển công nghiệp mang tính chiến lược nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ cao.

Nguồn tin ngoại giao cho biết, một số quan chức Trung Quốc cũng đã lên tiếng về chính sách này và xem đó là một sự “bộc lộ sớm sai lầm” sau khi Chính phủ đã hô hào và nâng tầm quan trọng kế hoạch này lên quá cao, do đó tăng áp lực cho chính Trung Quốc. Kế hoạch đầy tham vọng này của Bắc Kinh cũng đã hứng chịu phản ứng dữ dội của Washington.

Washington đã nhiều lần cho rằng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục các mức thuế mới sau khi Trung Quốc bỏ ngoài tai trước những lo ngại của chính quyền Mỹ về thực tiễn thương mại không công bằng và sự lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.

Cũng chính vì những lo ngại truyền thông sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”, các cơ quan thông tấn Trung Quốc đang bị giám sát chặt chẽ và kiểm duyệt mọi thông tin để đảm bảo tin tức được đưa ra đúng theo định hướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giảng viên Đại học Melbourne (Australia) về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, ông Sow Keat Tok cho rằng kể từ khi lời hùng biện của ông Trump chỉ tập trung vào cuộc chiến thương mại thay vì ông Tập, thì nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã kiềm chế việc đưa ra các tuyên bố nhắm vào ông Trump.

“Ông Tập cho phép Bộ Thương mại truyền đạt các thông điệp thay vì biến thương mại thành vấn đề ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai quốc gia”, ông Sow nói.

Chuyên gia này cho rằng, việc hạn chế các phương tiện truyền thông Nhà nước là cần thiết, vì sợ rằng một số phóng viên quá “hăng hái” khi đề cập đến ông Trump trong các bài viết. Thông điệp của truyền thông Trung Quốc sẽ không được phép tạo ra mối thù địch vào cá nhân ông Trump để còn giữ mối quan hệ trong các chính sách cấp Nhà nước”.

Ngoài ra, ông Sow còn chỉ ra rằng, cách tiếp cận trên là một sự tương phản rõ rệt so với cách thức chỉ trích thẳng tên nhau giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi năm 2017.

“Rõ ràng, ông Tập sẽ không cho phép điều đó xảy ra với chính mình. Điều này còn giúp ngăn chặn những dư luận xã hội có thể có từ bên trong Trung Quốc, trong trường hợp sự thù địch cá nhân đó vượt khỏi tầm tay”, chuyên gia từ Australia nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.