Xã hội

Không có báo chí tư nhân hay tư nhân núp bóng báo chí

19/06/2015, 19:57

Định hướng chung của Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc là làm sao để báo chí ngày càng phát triển hơn...

71
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đánh giá cao những đóng góp của báo chí trong thời gian qua, đồng thời cung cấp một số thông tin liên quan đến Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc đang được dư luận quan tâm.

Báo chí giữ vai trò chủ chốt đấu tranh chống tiêu cực

Thưa Bộ trưởng, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có thể chia sẻ đánh giá về những đóng góp của báo chí trong thời gian vừa qua?

Báo chí của chúng ta đã có 90 năm xây dựng và trưởng thành, trong suốt khoảng thời gian ấy, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, báo chí cũng luôn giữ một vai trò quan trọng trên các mặt trận tư tưởng cũng như trong quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, báo chí luôn là lực lượng xung kích trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trước quy hoạch, cả nước có 845 cơ quan báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện ở Việt Nam có 845 cơ quan báo chí, 1.118 ấn phẩm, 199 cơ quan báo in, truyền hình với hơn 200 kênh, phát thanh gần 100 kênh, 98 cơ quan báo mạng, 1.516 trang thông tin điện tử được cấp phép. Đánh giá hoạt động của báo chí trong năm 2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ghi nhận hoạt động báo chí có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều kết quả rất tốt. Tuy nhiên, trong năm 2014, Bộ TT& TT cũng phải xử phạt và chấn chỉnh nhiều hoạt động sai phạm của báo chí, đặc biệt trong những tháng cuối năm. “Đây là điều không hề mong muốn nhưng chúng tôi vẫn phải làm để đảm bảo sự bình đẳng báo chí, đồng thời góp phần làm lành mạnh đời sống báo chí”, Bộ trưởng Son nhấn mạnh và cho biết thêm, theo tinh thần đã được xây dựng trong đề án, mỗi Bộ, ngành sẽ chỉ có một cơ quan báo chí và một số ấn phẩm khác nhau. Cũng theo phương án quy hoạch thì sẽ vẫn duy trì mỗi tỉnh có một đài truyền hình và một đài phát thanh.

Nhờ có báo chí, những thành tựu, những hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam được lan tỏa rộng rãi trên trường quốc tế, cũng nhờ có báo chí, quốc tế thêm hiểu sâu sắc về đường lối đối ngoại hợp tác quốc tế của chúng ta, đó là đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ và làm bạn với tất cả các nước là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta có hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, và báo chí chính là cầu nối giúp họ khơi dậy lòng yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc.

Trong công tác tuyên truyền về biển đảo, báo chí, đặc biệt báo điện tử được xem như công cụ giúp giảm nghèo về thông tin ở những nơi vùng sâu, vùng xa.

5-10 năm trước, việc tiếp nhận thông tin ở Trường Sa vô cùng khó khăn, nhưng nhờ báo chí, hiện nay, Trường Sa như được nối với đất liền.

Quan trọng hơn, báo chí giữ vai trò chủ chốt trong việc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về quán triệt, đấu tranh phòng chống tham nhũng đều được báo chí phản ánh kịp thời, nhờ đó, phanh phui được nhiều vụ việc tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển toàn diện.

Bên cạnh mặt tích cực đó, theo Bộ trưởng, còn những hạn chế, bất cập gì báo chí cần khắc phục trong thời gian tới?

Báo chí với những hoạt động mạnh mẽ như vậy cũng không thể tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Phải thừa nhận trong thời gian qua, dù không nhiều nhưng vẫn còn có một số cơ quan báo chí và một số nhà báo có vi phạm trong quá trình tác nghiệp, chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thậm chí vượt xa tôn chỉ mục đích dẫn đến sai phạm. Một số cơ quan, cá nhân say sưa hoạt động kinh tế dẫn đến những sai phạm không đáng có. Ngoài ra, cũng có những bài báo đưa thông tin không toàn diện, không chính xác, thậm chí có quan điểm sai trái cần chấn chỉnh kịp thời. Điều đáng buồn là còn có nhà báo vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của báo chí nói chung…

Đó là những hạn chế, là những điều báo chí không mong muốn, cũng chính là những điều chúng ta cần khắc phục và đấu tranh phê phán trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nếu đánh giá chung, báo chí cơ bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phải khẳng định rằng, trong tình hình xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, con người có thể quên đi một lĩnh vực nào đó chứ không thể không quan tâm, tiếp nhận thông tin của báo chí.

Quy hoạch báo chí: Ít nhưng chất lượng

Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc có tác động lớn đối với nhiều cơ quan, tổ chức, rất nhiều người đang mong chờ đề án quy hoạch này được công khai. Xin Bộ trưởng khái quát diện mạo của làng báo Việt Nam sau quy hoạch?

Quy hoạch báo chí toàn quốc là một nhiệm vụ rất quan trọng, một trong những chức năng chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về báo chí. Đây cũng là việc làm hết sức bình thường, là nhiệm vụ cần thiết phải thực hiện.

Tuy nhiên, vì quy hoạch báo chí vốn là nhiệm vụ rất phức tạp, nhạy cảm trong tình hình hiện nay, chính vì vậy quy hoạch này nhận được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Đảng, Nhà nước. Chắc chắn chưa có quy hoạch nào Chính phủ quyết định mà Bộ Chính trị cho ý kiến đến ba lần, thậm chí trình ra cả Hội nghị T.Ư. Bộ Chính trị cũng đã khẳng định đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm có ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân, xã hội, chính vì vậy với tinh thần quy hoạch để báo chí ngày càng phát triển hơn, ngày càng có chất lượng tốt hơn, định hướng của Bộ Chính trị nêu rõ không có báo chí tư nhân hay tình trạng tư nhân núp bóng báo chí. Hướng quy hoạch là không cần nhiều nhưng cần chất lượng.

Nội dung quy hoạch hiện nay sẽ do Chính phủ ban hành, khi ban hành chắc chắn sẽ thông tin cho báo chí vì báo chí là đối tượng thực hiện, đồng thời cũng là người tuyên truyền quy hoạch này. Khi quy hoạch được phê duyệt, Chính phủ sẽ phổ biến quán triệt, thông tin rộng rãi đến mọi người dân, trước hết là đến các cơ quan báo chí. Việc quy hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí trong quá trình hoạt động. Báo chí ngày càng phát triển mạnh lên, chất lượng hơn, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 cũng đã trình Chính phủ rồi, chỉ chờ phê duyệt nữa thôi.

Xưa nay, báo chí luôn được coi là công cụ giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Nhưng nếu tất cả báo chí theo quy hoạch đều là của các Bộ, ban, ngành, người ta lo ngại các Bộ bắt tay nhau, báo Bộ này khen Bộ kia để tất cả được đánh bóng lên, mọi thiếu sót, khuất tất được che đậy. Liệu có xảy ra thực trạng này, thưa Bộ trưởng?

Không thể có tình trạng đó, bởi vì báo vẫn có tính độc lập của nó. Các cơ quan báo chí hoạt động theo tôn chỉ mục đích riêng, làm sao thực hiện tốt thông tin tuyên truyền quan điểm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như tham gia công tác bảo vệ pháp luật, như vậy có nghĩa là đương nhiên báo chí phải chống lại các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng mà không có giới hạn nào trong chuyện này.

Ngành Giao thông là đơn vị đầu tiên tiến hành sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Bộ trưởng đánh giá thế nào về bước đi tiên phong này?

Không nhất thiết có quy hoạch chúng ta mới sắp xếp báo chí mà đó là việc bình thường. Bộ GTVT vừa qua đã tiên phong trong việc thực hiện quy hoạch báo chí, đó là điều đáng hoan nghênh. Có lẽ cơ quan chủ quản là Bộ GTVT đã nhận thức được việc để tồn tại 7 tờ báo, tạp chí thuộc Bộ là quá nhiều, trong khi đó, thực tiễn báo chí của ngành Giao thông đòi hỏi cần làm sao tập trung có đủ điều kiện để nâng cao chất lượng của các cơ quan báo chí, giúp báo chí của ngành hoạt động tốt hơn. Vì thế, Bộ GTVT đã có quyết sách phù hợp với xu thế phát triển, mà những gì phù hợp thì rõ ràng sẽ phát triển tốt hơn. Còn với những tờ báo hay ấn phẩm phụ không có hướng đi phù hợp thì không nhất thiết phải chờ sự can thiệp của cơ quan quản lý, mà ngay bản thân cơ quan chủ quản đã có quyền đề xuất và quyết định số phận của các cơ quan báo chí đó.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.