Giao thông

Không có chỗ cho độc quyền trong khai thác cảng hàng không

04/03/2015, 07:31

Cả cơ quan quản lý, nhà khai thác cảng, nhà đầu tư đều khẳng định không chấp nhận độc quyền khai thác CHK.

82
Hãng hàng không tư nhân VietJet cũng đề xuất nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ Nhà ga T1

Không thể "một tay che cả bầu trời"

Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) vừa đề xuất mua nhà ga T1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Trước đó, hãng hàng không tư nhân VietJet Air cũng đề xuất nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga này trong thời hạn 20 năm.

Lý do mà hai hãng hàng không đưa ra đề xuất trên gần tương tự nhau. Với Vietnam Airlines là để “tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga, phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong nhà ga để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện trong khai thác”.

Còn VietJet “mong muốn có được những cơ sở hạ tầng vững chắc tại các cảng hàng không, sân bay để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững của hãng”.

Việc các hãng hàng không lớn có nhà ga riêng tại sân bay để phục vụ các chuyến bay, hành khách của mình theo Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không VN Phạm Viết Thanh là rất phổ biến. Cùng đó, ông Thanh cũng cho rằng hình thức này hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không của Bộ GTVT.

"Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói rõ Bộ GTVT luôn chào đón các nhà đầu tư (ngoài Tổng công ty Cảng hàng không VN) muốn được nhượng quyền khai thác hoặc xây dựng mới cảng hàng không. Tuy nhiên, phải phù hợp với điều kiện khai thác thực tế hiện nay khi thực hiện nhượng quyền”.

Cục trưởng Lại Xuân Thanh

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng, sở hữu quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài chắc chắn đem lại lợi ích tài chính cho nhà khai thác. Hơn nữa, nếu bỏ tiền vào T1, nhà đầu tư sẽ vừa có được nhà ga để phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, đồng thời thu được lợi nhuận từ việc khai thác hạ tầng.

Không thể phủ nhận tính ưu việt của việc nhượng quyền khai thác một số nhà ga hoặc cả sân bay, nhưng một số người vẫn e ngại tình trạng độc quyền có thể xảy ra. Tuy nhiên, cả nhà đầu tư, hãng vận tải cũng như nhà khai thác cảng hiện hành đều phủ nhận nguy cơ độc quyền.

Đại diện VietJet nói: “Chắc chắn chuyện độc quyền không thể xảy ra. Hơn nữa, việc tập đoàn, công ty tư nhân sở hữu sân bay là chuyện bình thường. Sân bay cũng như siêu thị, như cái chợ cao cấp, phải có giao lưu, có người đi, người đến chứ. Nếu anh cứ một mình một chợ thì ai chơi với anh, ai đến với anh? Phải có một cơ chế công bằng với những người đến”.

“Hơn nữa, VietJet có đủ tiền để mua hết mấy chục sân bay của nước mình không? Độc quyền chỗ này thì có độc quyền được chỗ khác không, có độc quyền được các khâu khác trong dây chuyền vận hành hàng không không? Chắc chắn là không, không thể một tay che cả bầu trời được”.

“Chỉ đơn cử một chuyện bình thường như xăng dầu cho máy bay thôi, VietJet liệu có thể tự đưa xăng dầu ra Phú Quốc, lên Liên Khương mà tự đổ được không? Tất cả phải là sự phối hợp cùng có lợi. Quan trọng hơn, VietJet không phát triển theo hướng triệt hạ nhau. Slogan của VietJet năm nay là “Đón bầu trời mở”, đại diện Vietjet nói thêm.

Người phát ngôn Vietnam Airlines, ông Lê Trường Giang cũng khẳng định, không dễ để một doanh nghiệp khai thác cảng hàng không có thể độc quyền. “Quản lý Nhà nước hoàn toàn có quyền can thiệp, đâu phải các nhà khai thác cảng thích làm gì thì làm. Điều phối giờ cất - hạ cánh (slot) cũng do Cục Hàng không VN quản lý. Các DN chỉ có thể tự hoàn thiện mình và cạnh tranh sòng phẳng với nhau mà thôi”, ông Giang nhấn mạnh.

Ràng buộc chặt chẽ trong hợp đồng

Liên quan đến việc chống độc quyền khi thực hiện nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay, Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định, vai trò quản lý Nhà nước chuyên ngành sẽ được thể hiện ở đây. Cục Hàng không VN, cao hơn là Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo cho các nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác không lợi dụng vị thế độc quyền.

“Sau khi nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư thì Nhà nước phải nắm được quyền kiểm soát việc này chứ không phải anh muốn cho hay không cho hãng hàng không vào là được. Tất nhiên, khi vào cảng thì phải trả tiền là chuyện đương nhiên”, ông Thanh nói.

Cũng như vậy, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lê Mạnh Hùng cho biết, đơn vị này đã được giao xây dựng phương án thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại sảnh E và nhà ga T1 của CHK quốc tế Nội Bài cho các nhà đầu tư. “Chắc chắn sẽ có những điều kiện ràng buộc trong hợp đồng nhượng quyền để chống độc quyền. Trên thế giới đã có tiền lệ về nhượng quyền khai thác và mình có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước này”, ông Hùng nói. 

Cũng theo ông Thanh, trong tháng 3, Cục Hàng không VN sẽ thông qua danh mục kêu gọi đầu tư, kinh doanh để nhà đầu tư tham khảo. Căn cứ trên thực tế quan tâm nhu cầu của nhà đầu tư, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục bàn thảo với nhà đầu tư để đi đến những thống nhất. Nguyên tắc chung sẽ là nhượng quyền khai thác hoặc mua lại toàn bộ tài sản cảng hàng không, hạ tầng. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm, có thể có nhiều hình thức cùng liên doanh đầu tư hoặc đấu giá…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.