Hạ tầng

Không có chỗ cho nhà thầu yếu kém

23/04/2014, 06:43

Tiến độ, chất lượng các dự án mở rộng, nâng cấp QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên tiếp tục là vấn đề được Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT dành nhiều quan tâm, chỉ đạo.

Thi công mở rộng QL1 qua Thừa Thiên - Huế.
Thi công mở rộng QL1 qua Thừa Thiên - Huế.

Nhiều dự án chưa đạt tiến độ


Báo cáo tiến độ triển khai các dự án trên QL1, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh cho biết, tại các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), đến thời điểm hiện tại đã thi công 19/19 dự án với 97/98 gói thầu (còn gói 10A Phú Yên). Trên công trường hiện có 366 mũi thi công trên tổng số 410 mũi thi công theo kế hoạch. “Nhìn chung, hầu hết các nhà thầu đã triển khai thi công tích cực, tuy nhiên khối lượng đạt được chưa nhiều. Ngoài dự án đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang đảm bảo tiến độ so với kế hoạch, các dự án còn lại đều đang chậm, điển hình là đoạn qua Quảng Ngãi” - ông Sanh đánh giá. 


Đối với các dự án BOT, theo ông Sanh, trên QL1, còn nhiều đoạn nhà thầu chưa quyết liệt như: Đoạn Bắc Bình Định, Nam Bình Định, Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp.


Trên đường HCM đoạn qua khu vực Tây Nguyên, ông Sanh cho biết, hầu hết các nhà thầu thi công dự án vốn TPCP đều đang thi công tích cực, đáp ứng tiến độ song vẫn còn một số nhà thầu triển khai thi công rất chậm trong đó có CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai và Công ty IMICO” - ông Sanh khẳng định.


Trong khi đó, tại các dự án BOT, hầu hết nhà thầu đều thi công chậm, duy nhất có Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương là đảm bảo tiến độ. Đáng nói hơn, theo ông Sanh vẫn còn 5 gói thầu chưa triển khai thi công trong đó có 2 gói thầu của Công ty Đức Long và 3 gói của Công ty Quang Đức.

Cắt chuyển khối lượng  nhà thầu không yếu 


Để đẩy nhanh tiến độ thi công, ông Sanh đề xuất nhiều biện pháp mạnh với các nhà thầu, ban QLDA trong đó có việc cắt chuyển tiến độ các nhà thầu yếu kém.


“Đối với các gói thầu thuộc dự án vốn TPCP chậm trễ, không đảm bảo tiến độ, đến ngày 25/4/2014, nếu các nhà thầu không có chuyển biến tích cực, đề nghị Bộ cắt chuyển khối lượng cho các nhà thầu khác có năng lực thực hiện. Cụ thể, cắt 4km trên tổng số 11km thuộc gói 2 đoạn qua Đắk Lắk (nhà thầu Tập đoàn Đức Long Gia Lai) và 2 trên tổng số 5,6km gói 2 đoạn qua Đắk Nông (nhà thầu Công ty IMICO)”, ông Sanh đề xuất. 


Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc của Ban cán sự về việc triển khai các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên mới đây, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặc biệt lưu ý vấn đề tiến độ, chất lượng các dự án.


“Thời tiết tại Tây Nguyên đang rất thuận lợi cho triển khai thi công, nếu không quyết liệt sẽ khó đảm bảo tiến độ. Do đó, phải kiên quyết với các nhà thầu, nhà đầu tư. Với những đơn vị đang chậm phải điều chỉnh ngay khối lượng, cần thiết có thể loại ngay nhà thầu nếu quá yếu về năng lực” - Bộ trưởng nhấn mạnh. 


Về mặt bằng, Bộ trưởng yêu cầu nêu đích danh các địa phương không kiên quyết trong việc triển khai GPMB đồng thời có văn bản gửi Bí thư, Chủ tịch tỉnh.

Về công tác GPMB, thống kê của các địa phương cho thấy, chỉ có 5 tỉnh hoàn thành trước 31/3, đáp ứng yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gồm: Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum. 8 tỉnh có khả năng hoàn thành trong tháng 4 gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông. 3 tỉnh có khả năng hoàn thành trong tháng 5/2014 gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa. 5 tỉnh có khả năng hoàn thành trong tháng 6/2014gồm: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đây là các tỉnh có số hộ dân phải tái định cư tập trung lớn và có dự án mới khởi công (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam).

 

Thanh Bình

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.