Giao thông

Không có chuyện “đánh tráo khái niệm” giữa phí và giá

25/05/2018, 07:58

Dư luận gần đây cho rằng, việc chuyển từ thu phí sang thu giá sử dụng đường bộ là “đánh tráo khái niệm”.

12

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Dư luận gần đây cho rằng, việc chuyển từ thu phí sang thu giá sử dụng đường bộ là “đánh tráo khái niệm”. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, không có sự “sáng tạo” ở đây mà việc chuyển khái niệm này là theo tinh thần của Luật Phí và Lệ phí.

Đổi tên để phù hợp với luật

Ông có thể lý giải vì sao lại đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT?

Trước ngày 1/1/2017, phí sử dụng đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh thực hiện theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh quy định việc ban hành các quy định về thu phí sử dụng đường bộ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 90/2004; sau này là Thông tư số 159/2013 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Trong đó, quy định nơi thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ là “trạm thu phí”.

"Để khắc phục những bất cập và minh bạch thu giá BOT, Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các chủ đầu tư niêm yết công khai mức thu tại trạm thu giá và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trạm đều sử dụng tiêu chuẩn công nghệ thu phí một dừng, sử dụng ấn chỉ mã vạch với thiết bị hiện đại, tiên tiến, có chức năng lưu trữ, hậu kiểm. Tới đây, toàn bộ các Trạm BOT sẽ được thu giá tự động không dừng đối, đảm bảo công khai, minh bạch đến từng đồng."

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Tuy nhiên, Luật Phí và Lệ phí số 97 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 15/11/2015 tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 đã quy định rõ danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo đó, phí sử dụng đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh được chuyển thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh và thực hiện theo quy định của Luật Giá.

Thực hiện Luật Phí và Lệ phí và Luật Giá số 11 ngày 20/6/2012 của Quốc hội, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Trong đó quy định: “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”. Vì vậy, việc đổi tên từ trạm thu phí thành trạm thu giá để phù hợp với quy định tại Luật Phí và Lệ phí và Luật Giá.

Vậy, bản chất thu phí và thu giá BOT có gì khác nhau?

Về thu phí đường bộ, giai đoạn trước ngày 1/1/2017, việc thu phí thực hiện theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí số 38/2001của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phí đường bộ do Nhà nước quản lý ban hành. Giai đoạn trước ngày 1/1/2017, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ thực hiện theo Thông tư số 90/2004, Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính và mỗi trạm thu phí thu theo thông tư riêng do Bộ Tài chính ban hành.

Về thu giá BOT, căn cứ Nghị định số 149/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Giá tối đa đối với: Dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc, các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, do T.Ư quản lý. Bộ GTVT đã quy định mức giá tối đa tại Thông tư số 35/2016.

Để đảm bảo tính kế thừa và ổn định mặt bằng thu giá, mức thu giá BOT hiện nay được giữ nguyên như mức phí do Bộ Tài chính quy định Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính.

Về bản chất, thu phí sử dụng đường bộ và thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ BOT đều với mục đích hoàn vốn cho dự án và đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế giá giúp cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư chủ động hơn trong việc xây dựng và điều chỉnh mức giá cho phù hợp với các yếu tố hình thành giá và tình hình biến động giá cũng như nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân và đảm bảo nhà đầu tư không được thu mức giá dịch vụ vượt quá mức giá tối đa ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân, chi phí vận tải hàng hóa và phù hợp với lợi ích khi sử dụng tuyến đường BOT.

Đổi tên không đổi mức thu

Dư luận hiện đang cho rằng, việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá để “đánh tráo khái niệm” nhằm che giấu việc phí chồng phí? Ông giải thích thế nào về vấn đề này?

Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 18/2012 của Chính phủ. Nguồn vốn này được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ và đường bộ địa phương được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Việc thu phí đường bộ theo hình thức Nhà nước thu lâu nay, mức phí rất thấp. Thực tế, hiện tại, phần thu chỉ đáp ứng 40% nhu cầu bảo trì đường. Hàng năm, ngân sách phải bỏ ra khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng hỗ trợ thêm mới cơ bản đủ nguồn lực cho bảo trì đường bộ.

Do vậy, chuyện chuyển từ phí sử dụng đường bộ sang giá là xu hướng phù hợp với quá trình xã hội hóa, Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Giá dịch vụ sử dụng đường bộ thu tại các trạm BOT thực hiện trên cơ sở Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính trước đây, mỗi trạm BOT sẽ thu phí theo mức quy định tại Thông tư do Bộ Tài chính ban hành đối với đường quốc lộ và HĐND tỉnh quyết định đối với đường địa phương. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2017 đến nay, thực hiện theo Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT thu giá BOT nhưng không thay đổi mức thu. Giá sử dụng đường bộ thu tại các trạm BOT dùng để hoàn vốn cho các nhà đầu tư đã ứng trước vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp đường bộ. Người tham gia giao thông trả tiền sử dụng đường bộ tại các trạm BOT được cung cấp dịch vụ đường bộ tốt hơn, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí lưu thông.

Như vậy, việc đổi tên từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” nhằm phù hợp với các quy định của Luật Phí và Lệ phí và Luật Giá. Do vậy, tôi khẳng định không có chuyện “đánh tráo khái niệm” trong thu giá đường bộ để lạm thu mà việc chuyển đổi khái niệm này thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.