Vận tải

Không có chuyện độc quyền cấp phép xe Tết tăng cường

20/01/2016, 08:04

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này.

10
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Trước thông tin các dịp cao điểm vận tải khách, nhất là dịp trước và sau Tết có tình trạng Công ty Quản lý bến xe Hà Nội độc quyền cấp phép cho xe tăng cường dẫn đến tình trạng thiên vị “người nhà” là Tổng công ty Vận tải Hà Nội, chiều qua (19/1), ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Báo Giao thông về vấn đề này.

Bến xe không còn chuyện được cấp phù hiệu xe tăng cường

Vừa qua, có doanh nghiệp (DN) gửi tin nhắn cho Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, có tình trạng Công ty Quản lý bến xe của Hà Nội độc quyền việc cấp phép xe tăng cường và ưu ái điều xe của “người nhà” là Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) mà không điều xe của các nhà xe khác. Ông nói gì về thông tin này?

Nhiều năm trước , Sở GTVT cấp phù hiệu cho các bến xe, các bến lại cấp cho DN “cạ” của họ dẫn đến việc họ cấp không theo quy trình. Khi đó, họ có quyền cho ông này hay ông kia vào. Chẳng hạn như tuyến Hà Nội - Lào Cai, đăng ký 3 nhà xe tăng cường, nhưng khi đông khách bến chỉ gọi đơn vị thân cận. Vì thế nên có chuyện, hai ông cùng đăng ký xe tăng cường nhưng bến xe thích cấp cho ông này hơn, dẫn đến tiêu cực.

"Tôi khẳng định, không có chuyện bến xe có thể độc quyền cấp phù hiệu xe tăng cường cho doanh nghiệp. Theo tôi, tin nhắn cho Bộ trưởng là do họ cũng sợ lại xảy ra tình trạng như trước đây. Tức là cứ cấp hết cho Công ty quản lý bến xe dẫn đến độc quyền. Tôi khẳng định thông tin trong tin nhắn gửi Bộ trưởng đến nay không có cơ sở vì quy định và quy trình đã khác. Hơn nữa, xe Transerco chạy liên tỉnh rất ít, chỉ còn khoảng 50 xe. Còn bảo độc quyền thì không có, bến xe nào cũng giống bến xe nào, không phân biệt bến xe của Transerco hay bến xe xã hội hóa”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh

Thế nhưng, đến nay không còn tình trạng đấy. Bây giờ, cấp phù hiệu cho xe tăng cường là do Sở GTVT cấp thẳng cho DN, không phải Sở cấp cho bến xe như trước. Đặc biệt, phù hiệu xe tăng cường chỉ có giá trị kèm theo “Lệnh điều động xe tăng cường” của bến xe khách tại Hà Nội. Trên mỗi “Lệnh điều động xe tăng cường” sẽ thể hiện rõ các thông tin về tuyến phục vụ (bến đi - bến đến), biển kiểm soát, đơn vị vận tải, thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, mỗi phù hiệu xe tăng cường do Hà Nội cấp chỉ có giá trị giải tỏa hành khách tại đầu các bến xe Hà Nội.

Để cấp phép xe tăng cường dịp Tết, chúng tôi có quy trình rất chặt, yêu cầu các DN chạy trên các tuyến đăng ký số lượng xe tăng cường và phải đăng ký cả số xe để rà soát xem xe này có đăng ký với mình không, có được cấp phù hiệu không và có đảm bảo các tiêu chí về vận chuyển khách không. Đối với các xe đã được cấp phù hiệu tăng cường, sẽ phải trực thường xuyên để khi bến xe cần tăng cường, phải có mặt ngay. Khi đó, bến xe sẽ kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật, giấy tờ lái, phụ xe rồi mới cho lệnh tăng cường (phơi xuất bến) ghi rõ xe biển số bao nhiêu, xuất bến để phục vụ cho tuyến này, vào giờ này lúc mấy giờ và phải kèm theo “Phù hiệu xe tăng cường” mới có giá trị. Trường hợp hết xe tăng cường, bến có thể cấp lệnh tăng cường đột xuất. Tuy nhiên, khi đó bến phải báo ngay về Sở GTVT qua mạng các thông tin ngày, giờ có cấp cho xe này đi theo tuyến cụ thể nào để Sở GTVT kiểm soát.

11

Nhân viên bến xe Phía Nam cho phép xe xuất bến - Ảnh: Dương Linh

Phát hiện “xe dù” cách nào?

Thực tế, vào mỗi dịp trước và sau Tết, tình trạng “bến cóc, xe dù” tại Thủ đô lại bùng phát, mất an ninh trật tự tại các bến xe. Báo Giao thông cũng nhiều lần phản ánh tình trạng này. Vậy dịp Tết năm nay, Sở GTVT Hà Nội sẽ có giải pháp gì để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong hoạt động vận tải hành khách?

Để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong vận tải khách, chúng tôi kiên quyết xử lý các “bến cóc, xe dù”. Chúng tôi đã sử dụng GPS (hệ thống định vị vệ tinh) để quản lý. Các DN sau khi cấp phù hiệu xong phải thông báo cho Sở GTVT trong ngày, nếu phát hiện xe chạy không đúng lộ trình, không đúng giờ xuất bến, cơ quan chức năng sẽ lập tức làm việc với DN. DN phải giải trình nguyên nhân như: Do tắc đường, do hỏng xe, do tai nạn... Nếu không chứng minh, là xe chạy dù và sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm sẽ được thực hiện sau Tết bởi vì xử lý trước Tết sẽ khó khăn trong việc điều xe tăng cường.

Để phục vụ nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện trong dịp Tết năm nay, Hà Nội sẽ tăng cường bao nhiêu phương tiện để giải toả hành khách? Bên cạnh đó, Sở có giải pháp kiểm soát như thế nào để ngăn chặn tình trạng lợi dụng danh nghĩa xe tăng cường chạy dù, vợt khách, không đảm bảo các yêu cầu về ATGT, thưa ông?

Dịp Tết Dương lịch vừa qua, chúng tôi đã chuẩn bị 350 lượt xe tăng cường nhưng chỉ sử dụng đến 130 lượt xe. Tết Âm lịch, chúng tôi đã chuẩn bị thêm 500 lượt xe tăng cường nữa. Kinh nghiệm cho thấy, đối với những năm nghỉ dài ngày (9 ngày) như Tết Âm lịch năm nay, xe tăng cường không nhiều. Mọi năm chúng tôi sử dụng 200 - 300 lượt xe. Tuy nhiên, để bảo đảm sự chủ động, chúng tôi vẫn chuẩn bị xe tăng cường để đáp ứng nhu cầu cao nhất của hành khách.

Các biển báo phải quy chuẩn hóa theo đúng luật

Năm nay, Hà Nội có rất nhiều tuyến đường mới được đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán như: Hai nút giao Trung Hoà - Thanh Xuân, nút giao Long Biên, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Nhật Tân, đường Vành đai 2… Vậy theo ông, Hà Nội đã thực hiện việc phân luồng, tổ chức giao thông như thế nào để bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn, tránh ùn tắc?

Thời gian qua, việc phân luồng giao thông trên các trục đường này đều được liên ngành khảo sát rất kỹ và thống nhất quy định giờ giấc đi vào của các loại xe có trọng tải khác nhau, các loại xe khách và phương tiện khác để đảm bảo ATGT. Các tuyến đường kể trên khi đưa vào sử dụng đã thấy tác dụng rõ rệt mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian cho người tham gia giao thông. Cụ thể, thời gian đi lại trên các trục đường chính, trước đây khoảng 1 giờ, hiện giảm xuống còn 45 phút, một số tuyến giảm còn 35 phút… Điều đó chứng tỏ các tuyến đường này khi thông xe đã mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, ở những tuyến đường mới, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn nữa. Đơn cử như việc phân luồng cho xe rẽ trái, xe quay đầu, phân luồng cho các xe đi thẳng để không xuống nút giao… Đây cũng là một vấn đề cần phải điều chỉnh lại tần số của đèn tín hiệu, thời gian của đèn tín hiệu cho phù hợp bởi nếu trước đây tất cả dòng phương tiện tập trung vào một nút, đèn phải có rất nhiều pha khác nhau. Nhưng giờ có hầm chui rồi, phải điều chỉnh để người dân đi qua nút giao nhanh nhất. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo rà soát tất cả các biển báo trên các trục đường để có điều chỉnh phù hợp, đúng quy chuẩn và theo quy định của Luật GTĐB.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.