Xã hội

Không có chuyện nhấn chìm hơn 700.000m³ bùn thải xuống biển Chân Mây

03/11/2018, 16:56

Tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu dự án bến số 3 thực hiện đổ bùn nạo vét theo phương án đã được phê duyệt…

Khong- co- chuyen- nhan- chim- hon- 700.000m3- bun

Tỉnh T.T-Huế đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án bến số 3 cảng Chân Mây phải thực hiện đổ bùn thải theo đúng các quy định theo báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt

Ngày 3/11, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định không có chuyện nhấn chìm 715.000m3 vật liệu nạo vét tại dự án bến số 3 xuống biển.

Ông Khanh cho biết, trước đó, Công ty TNHH Hào Hưng Huế - chủ đầu tư dự án Bến số 3 cảng Chân Mây có gửi văn bản xin nhấn chìm hơn 715.000m3 vật liệu nạo vét tại dự án bến số 3 xuống biển (cách bờ khoảng 3km) để đẩy nhanh tiến độ thi công bến cảng số 3 này. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định theo báo cáo tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế và Công nghiệp tỉnh, khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục bàn giao mặt bằng các khu đất để doanh nghiệp đổ chất thải nạo vét.

“Phía doanh nghiệp có văn bản xin nhấn chìm, UBND tỉnh đã có văn trả lời là phải đổ lên bờ theo các quy định theo báo cáo tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt” - ông Khanh cho hay. Ông Khanh cũng cho biết, đối với việc công ty trên đề xuất phương án đổ bùn thải trên sang vị trí khác thì công ty trên phải trình phương án cụ thể và có đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT theo quy định.

Theo thiết kế, bến số 3 cảng Chân Mây đang xây dựng sẽ có quy mô 13 ha; trong đó, diện tích bến bãi hơn 10 ha và 3 ha khu mặt nước trước bến.

Trước đó, phía Công ty TNHH Hào Hưng Huế cho biết, riêng hạng mục nạo vét khu vực trước bến và vũng quay tàu, luồng nhánh tàu, khối lượng bùn cát thải gần 1,3 triệu m³, hiện đã thi công được 20.000 m³, nhưng đang vướng mắc điểm đổ. Dự kiến, khoảng 500.000 m³ bùn cát thải sẽ được đổ lên bờ và khu vực các bến lân cận. Khối lượng còn lại dự kiến khoảng hơn 700.000 m³ bùn thải chưa biết đổ đi đâu. Trong khi chờ “giải quyết” khối lượng vật liệu nạo vét này, các hạng mục khác của công trình gần như đình trệ.

Phía Công ty TNHH Hào Hưng Huế cũng cho biết, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt, bùn nạo vét sẽ được tận dụng san lấp để tôn tạo bờ bến. Nếu không hết, chủ dự án sẽ xin đổ cho các bến kế bên. Nếu không được nữa, chủ dự án sẽ xin chủ trương đổ thải ngoài khơi, dự kiến cách bờ khoảng 3km.

Khong- co- chuyen- nhan- chim- hon- 700.000m3- bun

Dự án bến số 3 cảng Chân Mây tại huyện Phú Lộc (T.T-Huế) đang thi công. (Ảnh chụp tháng 6.2018)

Để giải quyết vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án bến số 3 vào đầu năm 2019. Tháng 8/2018, Công ty TNHH Hào Hưng Huế đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Ban Quản lý Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh về việc xin nhấn chìm hơn 7.000m3 vật liệu nạo vét bùn cát nói trên.

Được biết, vào tháng 9/2018, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cũng đã có văn bản số 889/TCBHĐVN-KSBVB phúc đáp đề xuất xin nhấn chìm vật liệu nạo vét nói trên của chủ đầu tư dự án bến số 3 Cảng Chân Mây (Công ty TNHH Hào Hưng Huế). Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam yêu cầu nghiên cứu sử dụng phương án tận dụng vật liệu nạo vét để san lấp chống xói lở bờ biển, tôn tạo bờ của bến hoặc đổ cho các bến kế bên nhằm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.

Trường hợp không thể thực hiện phương án trên, việc nhấn chìm vật liệu nạo vét trên biển, chủ đầu tư phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhấn chìm ở biển theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Dự án Bến số 3 cảng Chân Mây gồm các hạng mục: cảng tổng hợp cho tàu cá có tải trọng 50.000 tấn, kè bờ, khu neo đậu, khu quay trở tàu, luồng tàu và phao tiêu báo hiệu. Công trình trên bờ gồm tôn tạo mặt bằng bãi và kè bảo vệ, nhà điều hành và quản lý cảng, nhà tiếp nhận hàng hóa và phân loại hàng hóa, đường vào cảng, sân đường nội bộ trong cảng và trạm cân tải trọng xe…

Tổng mức đầu tư các hạng mục gần 850 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019. Việc xây dựng bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 và là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.