Kinh tế

Không có chuyện “siêu ủy ban” chồng chéo với SCIC

18/01/2018, 06:38

Lãnh đạo SCIC khẳng định, không có sự chồng chéo giữa SCIC với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

12

SCIC và hàng loạt “ông lớn” như FPT sẽ chuyển giao về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Phân công nhiệm vụ giữa “siêu ủy ban” với SCIC

Ngày 17/1, lãnh đạo SCIC cho biết, tính đến ngày 31/12/2017, đơn vị này đạt doanh thu 7.380 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.616 tỷ đồng, tương đương 133% kế hoạch. Trong năm 2017, SCIC đã bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, với giá vốn 424 tỷ đồng, thu được 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn. Như vậy, từ khi thành lập, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với giá vốn là 8.084 tỷ đồng và thu về gần 28 nghìn tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Trước câu hỏi, SCIC và Ủy ban đều hoạt động với vai trò quản lý vốn Nhà nước, liệu có sự chồng chéo hay không, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết: Ủy ban và SCIC đều là cơ quan và doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ. Sau này, có khả năng SCIC cũng thuộc quản lý của Ủy ban. Do vậy, sẽ không có chuyện chức năng chồng chéo giữa hai đơn vị. “Dù tới nay chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban vẫn chưa được ban hành cụ thể nhưng chắc chắn Chính phủ sẽ phân công, phân nhiệm hợp lý để đạt mục tiêu hiệu quả nhất vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Chi nói.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc Thường trực SCIC, khi Ủy ban hoạt động chính thức, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ chuyển phần vốn Nhà nước về cơ quan này quản lý. Còn hoạt động của SCIC sẽ vẫn đảm bảo với kế hoạch nhận và thoái vốn tại những doanh nghiệp còn lại.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, được nhận định là “siêu ủy ban” bởi sẽ quản lý hơn 20 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực từ năng lượng, GTVT cho đến nông nghiệp, lương thực, bao gồm cả SCIC. Các tập đoàn này đều đang được quản lý bởi các bộ là: Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Bộ TT&TT.

Siêu ủy ban” sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích

Mới đây, tại buổi họp đầu tiên của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Tổ công tác 66), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này. “Không để xảy ra tình huống Ủy ban mới được thành lập tiếp quản các doanh nghiệp mà các bộ “buông tay” luôn, sẽ dẫn tới chậm trễ trong cổ phần hóa, bán vốn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong danh sách doanh nghiệp dự kiến chuyển giao về “siêu ủy ban” ngoài SCIC sẽ có một loạt các “ông lớn” như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn Công nghiệp Than  -  Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam...

Nhận định về vai trò, hiệu quả của Ủy ban, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ kỳ vọng cơ quan này sẽ chặn nhóm lợi ích của các bộ hiện đang quản lý các doanh nghiệp Nhà nước và thu hẹp khu vực doanh nghiệp quốc doanh. Cụ thể, theo TS. Võ Trí Thành, việc thành lập “siêu ủy ban” sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích ở các bộ. Nhắc lại mục đích ban đầu của SCIC là thu nhỏ lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước, song theo ông Thành, muốn làm được thì cơ quan này phải chuyên nghiệp hơn và trực tiếp do người đứng đầu đất nước quản lý, để có thể tiến hành quyết liệt hơn, chứ không chỉ thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính như hiện nay. “Nếu “siêu ủy ban” làm quyết liệt, sẽ đẩy nhanh được việc thu nhỏ khu vực doanh nghiệp Nhà nước trước khi có thể quản lý các doanh nghiệp này một cách hiệu quả”, ông Thành nhận định. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, đối với hình thức sở hữu tài sản công, sẽ nảy sinh hai vấn đề không bao giờ giải quyết được triệt để, đó là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Lấy ví dụ về vụ việc người đứng đầu Ủy ban Quản lý tài sản Nhà nước của Trung Quốc vừa qua bị bắt vì tham nhũng, ông Thành cho rằng, muốn quản lý tốt, các tổ chức quản lý vốn Nhà nước phải đáp ứng bốn nguyên tắc: Minh bạch, giám sát, năng lực và chuyên nghiệp.

Nói về phương thức hoạt động của “siêu ủy ban”, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, cơ quan này chỉ nên quản lý một số công ty cực kỳ quan trọng để quản chặt vốn Nhà nước. “Số lượng doanh nghiệp có vốn Nhà nước của Việt Nam vẫn quá nhiều, không cơ quan nào có thể quản được. Do đó, việc tách ra phải đi đôi với đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Sau một thời gian nhất định, khi có những lĩnh vực công nghiệp quan trọng, doanh nghiệp tư nhân chưa làm được hoặc chưa muốn làm, thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước mới cần đầu tư”, ông Tuyển phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.