Chất lượng sống

Không có chuyện “vỡ” quỹ BHYT, BHXH

13/10/2016, 06:52
image

Dự kiến, từ năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện quản lý dữ liệu tập trung và giám định điện tử.

BHXH phải tính đến việc đóng nhiều hưởng nhiều, đó
BHXH phải tính đến việc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít (Một buổi phát lương hưu ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Thùy Sinh

Đó là khẳng định của ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tại cuộc tọa đàm trực tuyến về “Quản lý hiệu quả quỹ BHYT, quỹ BHXH” tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội.

Chậm khởi kiện làm tăng nợ đọng Bảo hiểm

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN), 8 tháng năm 2016, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng. Việc bội chi có nhiều nguyên nhân như: Tăng do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thay đổi chính sách thông tuyến y tế, tăng đối tượng tham gia… Tuy nhiên, đáng lưu tâm là hành vi trục lợi BHYT từ các cá nhân, cơ sở y tế. Cụ thể, nhiều cơ sở y tế cả tư và công đã khuyến mại không đúng quy định, chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết dịch vụ kỹ thuật, chỉ định sử dụng thuốc có hàm lượng không cạnh tranh, mức giá cao…

Bên cạnh đó, việc chậm khởi kiện các đơn vị vi phạm trong thời gian chuyển giao quyền khởi kiện từ BHXH VN sang Tổng Liên đoàn Lao động VN cũng là nguyên nhân gây tăng nợ đọng bảo hiểm trong thời gian này.

Điển hình tại TP HCM, năm 2015 đã khởi kiện gần 1.905 doanh nghiệp với số tiền hơn 550 tỷ đồng, mới thu hồi được hơn 321 tỷ đồng. Việc TAND Tối cao yêu cầu TAND các cấp dừng thụ lý các vụ khởi kiện dân sự của BHXH Việt Nam đã khiến tình trạng nợ BHXH có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trong khi các vụ khởi kiện do BHXH bị dừng lại thì đơn vị Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động VN) được giao nhiệm vụ khởi kiện chưa có động thái trong việc này, khiến đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn TP HCM nợ đọng hơn 3.000 tỷ đồng, so với năm 2015, nợ cao hơn 1.000 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, trước đây việc khởi kiện ra tòa những vi phạm trong lĩnh vực BH là do BHXH Việt Nam, từ ngày 1/7, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định Tổng Liên đoàn Lao động VN tham gia khởi kiện các vụ sai phạm, nhưng hiện chưa làm được. Được biết, mới đây BHXH Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận với Tổng Liên đoàn Lao động VN về vấn đề này. “Tôi đã có ý kiến với TAND Tối cao, BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động VN phải ngồi với nhau xử lý việc này trước ngày 1/7 để thuận lợi trong việc chuyển giao đơn vị khởi kiện. Hiện, chúng ta đang có một khoảng trống dẫn đến tăng nợ đọng. Pháp luật đúng, rõ nhưng việc tổ chức, triển khai chậm, phải rút kinh nghiệm”, ông Lợi cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn cho biết, thời gian qua. BHXH VN cũng đã “bêu” danh các DN vi phạm bảo hiểm trên các đơn vị truyền thông đại chúng, đồng thời, tổ chức phòng quản lý thu nợ ở các địa phương để tiếp tục thanh tra, xử lý các vi phạm… “Liên quan đến tổ chức công đoàn, trong quy chế phối hợp chúng tôi có điều khoản tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn các cấp thực hiện khởi kiện các DN không đảm bảo quyền lợi người lao động chủ động và thiết thực hơn”, ông Sơn cho biết.

Hết năm 2017 không tăng mức BHYT

Theo ông Phạm Lương Sơn, hệ thống thông tin giám định BHYT được triển khai từ tháng 6 và được ngành Y tế, ngành BHXH coi là công cụ hữu hiệu để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Đến nay, đã có 99,5% cơ sở KCB kết nối thành công vào Cổng Thông tin giám định BHYT điện tử. Dự kiến, từ năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện quản lý dữ liệu tập trung và giám định điện tử.

Trước ý kiến cho rằng, nguy cơ “vỡ” quỹ BHYT, BHXH trong tương lai gần, ông Bùi Sĩ Lợi nhận định: “Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước, luôn được quản lý chặt chẽ. Không thể “vỡ” quỹ”. Ông Lợi cũng cho rằng, khi tham gia BHYT hiện nay, đóng thì ít, trả tiền bệnh lại tối đa, trong khi các nước khác đều có trần chi trả chi phí khám chữa bệnh, không thanh toán tất cả như Việt Nam. “Đây là vấn đề nhân văn nhưng chúng ta cần cân đối, điều chỉnh chính sách, quản lý quỹ tốt, đảm bảo công bằng giữa người tham gia BHYT. Thực tế, quỹ BHYT theo luật quy định trần đóng quỹ 6%, hiện mới đóng 4,5% vậy còn dư địa để tăng lên. Với BHXH, chúng ta đến lúc phải tính đến việc đóng nhiều hưởng nhiều và đóng ít hưởng ít, hoặc dùng chính sách bổ sung khác như hưu trí bổ sung, hưu trí Nhà nước…”, ông Lợi cho biết thêm.

Đồng quan điểm, ông Sơn khẳng định: “Không thể vỡ quỹ bởi đây là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước cũng như cơ quan BHXH Việt Nam. Đồng thời, kiên quyết với tình trạng lạm dụng, trục lợi từ quỹ BHYT, BHXH. BHXH VN sẽ cố gắng quản lý tốt, để chí ít đến năm 2017 không điều chỉnh mức đóng BHYT. Đồng thời, quyết liệt hơn trong quản lý quỹ”.

Có luồng ý kiến cho rằng, cần tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động chất xám kỹ thuật cao, nhưng cũng có luồng ý kiến khác cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu thì 191 nghìn cử nhân ra trường sẽ ngồi đâu.

Do vậy, việc có tăng hay không tuổi nghỉ hưu cần phải được tính toán kỹ. Tăng như thế nào, bao nhiêu, lộ trình cần được tính toán để đảm bảo cả thị trường lao động, việc làm và ổn định xã hội. Theo nguyên tắc BHXH chính là qũy để dành của người lao động, đóng nhiều hưởng nhiều, quỹ phải được bảo toàn, người về hưu đủ sống với lương hưu”.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.