Thời sự

Không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm khi làm sách giáo khoa

20/11/2014, 13:08

Trong lịch sử, Bộ Giáo dục – Đào tạo chưa bao giờ trực tiếp viết sách giáo khoa và cũng sẽ không trực tiếp viết sách giáo khoa.

Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận

Trong báo cáo làm rõ hơn những băn khoăn của ĐBQH về vấn đề này, người đứng đầu Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, việc biên soạn chương trình SGK là công việc mang tính khoa học, liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ và khoa học giáo dục. Việc giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các loại sách giáo khoa khác bởi đây là công việc rất khó khăn, tỉ mỉ.

"Qua thực tiễn những lần làm sách trước đây lực lượng tham gia biên soạn chương trình SGK không nhiều do yêu cầu rất cao về mặt khoa học. Bên cạnh đó, thời gian tập trung cho việc viết sách dài, nhiều người không có điều kiện tham gia. Cùng với đó, vấn đề đãi ngộ cho những người tham gia viết SGK chưa thỏa đáng", ông Phạm  Vũ Luận nói.

Thậm chí, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, dự báo lần này lực lượng làm SGK còn ít hơn do triển khai theo cách làm mới, cách tiếp cận năng lực, chứ không như những lần trước là truyền thụ kiến thức. Phương án Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo chủ động biên soạn một bộ sách đồng thời khuyến khích biên soạn các bộ sách khác là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra.

Tuy nhiên, ông Luận cũng khẳng định: tuyệt nhiên không có tính cục bộ, lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm khi triển khai Đề án. Phương án xã hội hóa viết SGK do chính Bộ Giáo dục – Đào tạo đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định trình QH.

Trong khi đó, liên quan đến lo ngại về việc Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức biên soạn sách, thẩm định sách dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Trong lịch sử, Bộ Giáo dục – Đào tạo chưa bao giờ trực tiếp viết SGK và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK.

Việc viết SGK, biên soạn chương trình là do các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia. Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện lựa chọn nhân sự và tập huấn bổ sung những thông tin cần thiết khi viết sách; ban hành những văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình biên soạn, thẩm định, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho nhóm viết sách…

Cũng như lần phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, việc thẩm định sách do một Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này nhưng không tham gia viết sách.

"Những vị này do nhiều cơ quan như Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ban Tuyên giáo TƯ, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam… giới thiệu. Danh sách Hội đồng thẩm định này sẽ được Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực thông qua. Đây là hội đồng độc lập, không gồm các cán bộ của Bộ Giáo dục - Đào tạo để thẩm định bộ sách. Hội đồng hoạt động theo quy chế riêng đảm bảo tính khách quan và độc lập", ông Luận nói.

Bộ trưởng Luận cũng cho biết, Bộ có trách nhiệm soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có văn bản quy định tiêu chuẩn, tiêu chí tham gia Hội đồng, quy chế hoạt động của Hội đồng này. Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia này, Bộ sẽ quyết định cho phép lưu hành những bộ sách đạt tiêu chuẩn yêu cầu.

Tiến Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.