Hồ sơ tài liệu

Không có Trung Quốc, Mỹ sẽ làm gì để ngăn Triều Tiên?

04/04/2017, 06:49

Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận, Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề được đề cập trong cuộc gặp mặt...

17

Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ tự giải quyết vấn đề Triều Tiên

Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận, Triều Tiên sẽ là một trong những vấn đề được đề cập trong cuộc gặp mặt giữa hai lãnh đạo nhưng bỏ ngỏ khả năng Washington sẽ giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không cần sự giúp đỡ từ Bắc Kinh.

Trung Quốc không làm thì Mỹ sẽ làm

Phát ngôn trên của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times (Anh) trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự kiến sẽ bắt đầu từ hôm 6/4 tới. “Nếu TQ không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì chúng tôi sẽ làm”. Khi được hỏi, ông có tin chắc sẽ thành công nếu Mỹ một mình giải quyết vấn đề này, ông Trump khẳng định: “Hoàn toàn chắc chắn”. “TQ có ảnh hưởng rất lớn tới Triều Tiên. TQ sẽ quyết định giúp chúng tôi về vấn đề Triều Tiên hoặc không. Nếu họ giúp, điều đó sẽ tốt cho Bắc Kinh, nếu không, nó sẽ không có lợi cho bất cứ ai”, ông Trump nhấn mạnh, song không nêu chi tiết kế hoạch giải quyết vấn đề Triều Tiên như thế nào.

Thời gian gần đây, TQ đã tăng cường nhiều biện pháp gây áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng. Điển hình là lệnh cấm nhập khẩu than nhưng chưa sẵn sàng thực hiện những biện pháp tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại Triều Tiên, bởi Trung Quốc cũng e ngại nếu có biến động ở bán đảo có thể đẩy hàng triệu người tị nạn Bình Nhưỡng qua biên giới sang nước này.

Chưa rõ liệu những bình luận trên của ông Donald Trump có tác động ra sao với TQ nhưng chắc chắn Triều Tiên sẽ trở thành vấn đề rất khó nói trong cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn gần đây với ABC News, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết, Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ lời bào chữa nào từ TQ. “Bắc Kinh cần phải cho chúng tôi thấy họ thực sự lo ngại như thế nào... Đất nước duy nhất có thể ngăn Triều Tiên là TQ và họ hiểu điều đó”.

Sách lược của Mỹ là gì?

Trong một diễn biến có liên quan, truyền thông Mỹ cũng phát đi các thông tin nói rằng, các cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng đã hoàn tất việc đánh giá những biện pháp để hạn chế các chương trình hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Những lựa chọn này bao gồm các biện pháp về kinh tế, quân sự nhưng vẫn nghiêng về phía trừng phạt và tăng cường gây sức ép từ TQ để kiềm chế Triều Tiên, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.

Mỹ - Nhật - Hàn tập trận chung chống tàu ngầm Triều Tiên

Liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, ngày 3/4, cơ quan thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Mỹ - Nhật - Hàn bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung chống lại mối đe dọa tàu ngầm từ Triều Tiên. Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày diễn ra trên vùng biển giữa Nhật và Hàn Quốc, gần đảo Jeju. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định, cuộc tập trận nhằm đảm bảo cả 3 nước có khả năng kịp thời phản ứng hiệu quả trước các mối đe dọa từ tàu ngầm Triều Tiên.

Tuy Mỹ không loại bỏ khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên nhưng các cố vấn Mỹ ưu tiên các biện pháp ít rủi ro nhất có thể , “hạn chế khả năng hành động quân sự trực tiếp”, quan chức này nói thêm.

Các đề xuất trên được trình lên Tổng thống để quyết định chọn phương án nào nhưng đến chiều 3/4, chưa rõ đã tới tay ông Donald Trump hay chưa. Đồng thời, Nhà Trắng từ chối bình luận về những đề xuất này. Nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai gần, khó có thể xảy ra cuộc chiến tranh do Mỹ phát động nhằm vào Triều Tiên vì tình hình địa chính trị ở khu vực Đông Bắc Á hết sức phức tạp.

Về khả năng Triều Tiên có thể đơn phương phát động tấn công Mỹ, trước đó, tờ Financial Times dẫn lời Phó cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, K.T. McFarland cho rằng, “thực sự có khả năng” Triều Tiên sẽ tấn công Mỹ bằng tên lửa vũ trang hạt nhân vào thời điểm năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 4 năm đầu của ông Trump.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia có nhận định tích cực hơn. Chẳng hạn, ông Siegfried Hecker, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về chương trình hạt nhân Triều Tiên nhận định: “Phần lớn các suy luận đều cho rằng, Triều Tiên mất khoảng 5 năm hoặc hơn để phát triển vũ khí có thể tấn công Mỹ”. Nhưng, nhìn chung, rất khó để ước tính về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vì thông tin tình báo về Triều Tiên khá khan hiếm và không ai dám chắc những tên lửa đó của Bình Nhưỡng thành công tới đâu. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.