Xã hội

Không có vũ khí, phải bắt người bằng dây thừng nên... rất tủi thân

16/09/2016, 18:19

Đó là chia sẻ của đại diện VKSND Tối cao khi bàn việc CQĐT của đơn vị này không được trang bị vũ khí.

8_coquan2968-450_0

Lực lượng điều tra của VKDND Tối cao trong một lần bắt đối tượng phạm tội - Ảnh minh hoạ

Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kến dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Theo dự thảo, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng mà chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ.

Lý giải rõ hơn về quy định này, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho rằng do thực tiễn những năm qua cho thấy cơ cấu, tổ chức cơ quan điều tra của Viện KSND có biên chế ít; số vụ việc điều tra không nhiều; đối tượng phạm tội là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ít có hành vi chống đối manh động như một số tội phạm nguy hiểm khác. Mặt khác, trong quá trình bắt giữ, đã có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an và các lực lượng khác. 

Không đồng tình với quan điểm của đại diện cơ quan soạn thảo, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong dẫn số liệu cho hay, theo thống kê của VKSND Tối cao báo cáo cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong 5 năm qua, tội xâm phạm tư pháp bình quân mỗi năm 141 vụ/300 bị can.

“Đã là tội phạm thì giống nhau dù là tội phạm cổ cồn, đặc biệt đối tượng tội phạm tư pháp là điều tra viên cấp huyện, cấp tỉnh, kiểm sát viên hoặc là thẩm phán cấp tỉnh, cấp huyện thì cách chống trả còn tinh vi hơn” - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao nói.

Đại diện VKSND Tối cao cũng dẫn lại vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), cho rằng khi bắt đối tượng giết người Lý Nguyễn Chung – hung thủ thực sự trong vụ án của ông Chấn mất cả tháng mà không được trang bị vũ khí, đến còng tay thì cũng là còng cũ. “Có lần tôi đã báo cáo với Uỷ ban TVQH là có tình trạng bắt người bằng dây thừng. Đây là điều rất thật!” – ông Phong giãi bày.

Theo ông Phong, nếu như không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thì sẽ nguy hại trực tiếp đến lực lượng Điều tra viên của Viện KSND Tối cao.

“Cũng như Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao cũng phải bắt người, nếu không được trang bị vũ khí sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu chỗ này, chứ không rất tủi thân, năm 2013 đã đề nghị rồi nhưng bị lãng quên” – ông Phong nói.

Liên quan đến điều cấm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, phải rà soát rất kỹ, quy định rõ cấm ai, ai cấm, vì sao.  “Ví dụ mục 5 quy định cấm cố ý làm hư hỏng, hủy hoại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cấm ai? Nếu làm hư hỏng, hủy hoại vũ khí của địch thì tốt quá chứ!?” – ông Dũng dẫn chứng.

Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì chỉ ra “kẽ hở” ngay ở điều cấm dễ bị lợi dụng mà khó kiểm soát khi nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhưng lại trừ vũ khí thô sơ được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc.

“Đồng bào dân tộc Mông, thanh niên nam khi trưởng thành thì đã tự chế trang bị vũ khí thô sơ. Nếu quy định như thế thì sẽ lợi dụng bí mật sản xuất thì rất khó kiểm soát, như vụ Lào Cai vừa rồi” – ông Chiến nói và kiến nghị cân nhắc bỏ quy định này.

Theo số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã trang bị 337.439 loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định; cấp 321.609 giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 7.650 vụ, 6.116 đối tượng; truy tố 2.964 vụ, xét xử 1.920 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 2.603 trường hợp; thu giữ 1.897 khẩu súng các loại, 22.264 kg thuốc nổ, 100.969 kíp nổ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.