Chính trị

Không còn “bãi đáp an toàn” đối với tham nhũng

27/09/2017, 17:24

Tiếp xúc cử tri Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cho biết không có khu vực an toàn đối với cán bộ tham nhũng.

se-khong-con-bai-dap-an-toan-cho-tham-nhung1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ

Ngày 27/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP. Cần Thơ do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tiếp tục có buổi làm việc tiếp xúc cử tri tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Giải đáp câu hỏi của cử tri về chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội cho biết không có khu vực an toàn đối với cán bộ đã tham nhũng dù ở bất kỳ cấp bậc nào.

Chấm dứt tình trạng “hạ cánh an toàn”

Những vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng được nhiều cử tri đưa ra trong buổi làm việc. Cử tri Trần Thanh Phong đặt vấn đề, đối với trường hợp cán bộ sai phạm mà nghỉ hưu thì việc cách chức mang lại ý nghĩa gì? Như đối với trường hợp của Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã từng nói rằng bản thân mình đã nghỉ hưu hai năm, giờ đây họ muốn xử ông như thế nào thì xử, làm dân rất bức xúc.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không có khu vực an toàn đối với cán bộ đã tham nhũng dù ở bất kỳ cấp bậc nào. Đối với cán bộ tham nhũng về nguyên tắc sẽ được nghiêm trị. Người phạm tội tham nhũng phải chịu hình phạt nghiêm khắc theo quy định. Riêng về tài sản tham nhũng sẽ được cố gắng thu hồi về.

Với những trường hợp đã nghỉ hưu, Quốc hội đang chuẩn bị sửa Luật Cán bộ công chức, Luật viên chức nhằm làm rõ trách nhiệm đối với những cán bộ đã không còn làm trong hệ thống chính trị nhà nước nữa mà đã chuyển sang một đơn vị khác, đã nghỉ hưu thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm. Đối với nguyên cán bộ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người này đang ở những chức vụ mà khi thực thi công vụ có sai phạm. Đây là một điểm mới để làm sao chấm dứt tình trạng “hạ cánh an toàn”.

Vấn đề cử tri nói “về hưu rồi thì việc mất chức không có ý nghĩa”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định nó có ý nghĩa ở chỗ danh dự, uy tín của bản thân cán bộ đó. Bởi những cán bộ khi về hưu sẽ được hưởng một số chính sách gắn liền với chức vụ khi tại vị. Khi bị cách chức vụ đó thì sẽ trở về là người bình thường, kể cả lúc đó có làm bộ trưởng trong 5 năm một khi chức vụ đó bị cách đi thì kể cả tiêu chuẩn khám chữa bệnh hay đi dự những hội nghị sẽ không còn được giới thiệu là người nguyên giữ chức đó nữa.

Và một ý nghĩa quan trọng là khi bị truy cách chức, bao nhiêu mối quan hệ: gia đình; con cái; thân bằng quyến thuộc, đồng chí, đồng nghiệp, anh em, hàng xóm, người dân... nói cái ông này sai phạm bị cách chức thì đau khổ lắm.

Riêng vấn đề phát biểu của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phát biểu như thế nào là quyền của ông ta, tuy nhiên nói để bị xã hội lên án sẽ cảm thấy quá hổ thẹn với lương tâm mình thay vì lẽ ra nên nói một câu khiêm tốn. “Tôi cho rằng đó là một cách ứng xử không có văn hóa, thiếu trách nhiệm, mình đã làm ra hậu quả như thế rồi nói như thế là thiếu trách nhiệm với bản thân mình. Đây là nhận xét của tôi. Tôi cũng giống như cử tri vừa nói, nghe rất khó chịu”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Mọi trẻ em đều phải được đến trường khi đến tuổi

Ngoài ra, vấn đề tình trạng trẻ em có yếu tố nước ngoài (con lai) không có điều kiện đi học do không đủ giấy tờ cũng được cử tri phản ánh. “Đề nghị Quốc hội chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền liên hệ các nước liên quan để các cháu có giấy khai sinh làm cơ sở làm các giấy tờ tuy thân, được đi học như tất cả mọi trẻ em khác”, cử tri Lê Quốc Khải yêu cầu.

Đối với vấn đề này Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ thông tin, trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 1.306 trẻ em có yếu tố nước ngoài, diện con lai. Do hoàn cảnh gia đình các cháu được mẹ đem về giao lại cho ông bà nuôi dưỡng. UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Công an hướng dẫn các quận, huyện làm giấy khai sinh cho các trẻ để trẻ được đi học.

Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Như Giám đốc Công an thành phố nói là đúng chủ trương. Trẻ em không có tội gì cả nhưng vì là con lai, giờ về không có giấy tờ tuy thân. Hiến pháp nêu rõ chúng ta được quyền tự do đi lại, học hành, đó là quyền thiết thân.

Tôi đề nghị xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ xem lại. Nếu còn trẻ em con lai chưa được đến trường, chưa được làm giấy tờ tùy thân thì phải thực hiện theo đúng Hiến pháp. Luật Quốc tịch cũng cho hai quốc tịch. Kể cả đứa trẻ đó đã được nhập quốc tịch Hàn Quốc thì vẫn được vào quốc tịch Việt Nam và việc này không có gì sai, nếu gia đình tự nguyện để cháu có điều kiện đến trường”.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lãnh đạo TP. Cần Thơ chú ý chỉ đạo rà soát về vấn đề này và phải làm nhanh vì hiện nay đang vào đầu năm học, các em phải được đi học ngay, không thể chần chừ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.