Thời sự

Không còn dài cổ đợi ray

25/09/2014, 15:06

Tính sơ sơ, ngành Đường sắt có 6 Ban Quản lý dự án và Ban Chuẩn bị đầu tư các dự án ATGT. Đấy là chưa kể các thành phố lớn cũng có Ban Quản lý đường sắt đô thị riêng.

TIN LIÊN QUAN

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được đẩy nhanh tiến độ sau 2 tháng chuyển về Bộ GTVTẢnh: Khánh Linh
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được đẩy nhanh tiến độ sau 2 tháng chuyển về Bộ GTVT. Ảnh: Khánh Linh
Tuy nhiên, nhiều dự án kéo dài đến cả chục năm từ lúc nghiên cứu khả thi cho đến giờ, nhất là những dự án xây dựng mới. Dù dự án có số vốn lớn hay nhỏ, đường sắt cải tạo, nâng cấp hoặc làm mới kéo dài lên tới vài trăm hay chỉ vài chục kilomet, nhưng đều rơi vào cảnh thi công ì ạch, đìu hiu chợ chiều. Dự án kéo dài lê thê dẫn đến hệ quả tất yếu là phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do lạm phát, giá nguyên vật liệu và nhân công tăng, thay đổi tỷ giá giữa VND và ngoại tệ. Hơn nữa, chi phí cho quản lý dự án cũng vì thế mà tăng theo.


Đấy là những lý do mà ngành Đường sắt đưa ra để lý giải câu chuyện đầu tư kém hiệu quả. Nhưng có một lý do chưa được nhắc đến, đó là ngay chính một số đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) cố tình “gây khó” trong quá trình thi công khiến dự án bị chậm.


Người viết bài này đã có lần chứng kiến một đơn vị vận tải nhận chở hợp đồng ray cho dự án thi công, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai. Hợp đồng đã xong, xe pháo đã sẵn sàng nhưng không thể đưa ray lên tàu chuyển đến hiện trường thi công do một toa xe chuyên dụng có vết nứt dài chỉ 50 mm nhưng trạm kiểm soát toa xe vẫn vin vào lý do an toàn mà nằng nặc không cho tàu chuyển bánh.

Dù sau đó đơn vị vận chuyển đã thuê hẳn một đơn vị xây dựng trong ngành Đường sắt hàn lại vết nứt này đâu vào đấy, nhưng vẫn chẳng được chấp nhận. Vậy là hơn một tháng trời, 800 tấn ray 25 m phục vụ thi công 70 km đường sắt cứ nằm nguyên một chỗ, còn công nhân thì... dài cổ đợi ray.


Suy cho cùng, đây cũng là hệ quả của việc các dự án đường sắt và đơn vị vận tải, kiểm soát an toàn đều trực thuộc VNR nên “không ai chịu ai”.


Đến nay khi các Ban Quản lý dự án đường sắt của Cục Đường sắt VN và VNR được đưa về Bộ GTVT quản lý chắc chắn sẽ không còn tình trạng này. Chủ thể quản lý và đơn vị thi công thực hiện đều rất rõ ràng. VNR chỉ tập trung kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng, còn khối vận tải sẽ được cổ phần hóa toàn bộ. Cục Đường sắt VN sẽ chỉ tập trung nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, tham mưu cho Bộ về thể chế, văn bản, chính sách quản lý tốt hơn. Đây mới là nhiệm vụ quan trọng và cũng là mục tiêu chung trong tái cơ cấu ngành Đường sắt để phát triển. Nói nôm na, sẽ không còn chuyện một đơn vị “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong thực hiện dự án xây dựng đường sắt nữa.

Lê Phong

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.