Đường thủy

Không còn đan xen đặt hàng, đấu thầu bảo trì đường thủy

31/10/2021, 06:12

Các tuyến đường thủy quốc gia chuyển sang áp dụng hoàn toàn theo cơ chế đấu thầu rộng rãi, không còn đặt hàng kết hợp đấu thầu như vài năm qua.

Tách bạch quản lý và cung cấp dịch vụ

Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, công tác quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy quốc gia (kiểm tra tuyến, dịch chuyển báo hiệu, tín hiệu; bảo dưỡng phao, báo hiệu, quan trắc mực nước, theo dõi vận tải, trực đảm bảo giao thông, phòng chống thiên tai…) là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý kết cấu, hạ tầng đảm bảo giao thông đường thủy.

img

Trục vớt phao đường thủy để sơn sửa, bảo dưỡng định kỳ

Để thực hiện nhiệm vụ trên, từ cách đây hơn 50 năm, lần lượt 15 Đoạn Quản lý đường sông (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN) được thành lập, hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp Nhà nước để quản lý, bảo trì hệ thống đường thủy quốc gia trên toàn quốc.

Các đơn vị này được xem như “cánh tay nối dài” của Cục, quản lý, bảo trì đường thủy theo cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Theo xu thế đổi mới chung, từ năm 2005, 5/15 đơn vị được thí điểm chuyển thành công ty cổ phần quản lý, bảo trì đường thủy và đến năm 2015 hoàn thành chuyển đổi các đơn vị còn lại.

Chỉ một năm sau đó, từ năm 2016, Cục Đường thủy nội địa VN bắt đầu triển khai thí điểm cơ chế đấu thầu dịch vụ quản lý, bảo trì đường thủy.

Đây được xem là dấu mốc chuyển từ cơ chế bao cấp sang cạnh tranh và tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công ích quản lý, bảo trì đường thủy.

Cụ thể, đơn vị này áp dụng phương thức đấu thầu hạn chế để lựa chọn nhà thầu thực hiện quản lý, bảo trì các tuyến lòng hồ Sơn La, tuyến sông Vàm Cỏ Đông từ ngã ba sông Vàm Cỏ Đông - Tây đến cảng Bến Kéo và tuyến sông Hồng từ Ba Lạt (phao số 0) đến ngã ba Việt Trì (mỗi tuyến là 1gói thầu).

134 tuyến đường thủy quốc gia còn lại được chia thành 22 gói thầu, thực hiện đấu thầu rộng rãi.

“Quá trình đấu thầu diễn ra công khai, minh bạch và lựa chọn được nhà thầu đáp ứng tiêu chí đặt ra.

Việc áp dụng phương thức đấu thầu tạo sự tách bạch giữa quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ quản lý, bảo trì đường thủy, góp phần đổi mới, tạo hiệu quả trong công tác này”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.

Doanh nghiệp đổi mới

img

Sơn bảo dưỡng định kỳ biển báo hiệu đường thủy nội địa

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, lãnh đạo các đơn vị cho biết, thời gian đầu chuyển sang mô hình doanh nghiệp, các đơn vị đều gặp khó khăn do quy mô vốn nhỏ, chỉ trên dưới 10 tỷ đồng, ngành nghề chính là quản lý, bảo trì và bảo đảm ATGT đường thủy.

Đối với 10 đơn vị cổ phần hóa từ năm 2015, khi vừa chuyển đổi mô hình phải làm quen ngay với cơ chế đấu thầu nên gặp lúng túng.

Dù vậy, các đơn vị nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy, mô hình hoạt động để thích ứng với cơ chế thị trường, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm việc làm bên ngoài lĩnh vực truyền thống.

“Khi chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần, các công ty vừa cổ phần đều ít vốn, chưa mở rộng được sang ngành nghề khác nên gặp rất nhiều khó khăn.

Song cổ phần hóa và đấu thầu là xu thế chung, tạo cơ hội để doanh nghiệp tự chủ, đổi mới, nắm bắt cơ hội kinh doanh”, ông Trần Xuân Khơi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 cho biết.

Đến nay, một số doanh nghiệp như Công ty CP Quản lý đường sông số 3, Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4… còn mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực như dịch vụ du lịch, khách sạn, xăng dầu hoặc tham gia các dự án ngoài ngành đường thủy.

Đề cập công tác quản lý, bảo trì đường thủy, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tín hiệu tích cực là năm 2021, công việc quản lý, bảo trì được áp dụng theo cơ chế đấu thầu với thời hạn cả năm 2021 và từ năm 2022 sẽ áp dụng nghiệm thu theo tiêu chí chất lượng..

Trước đó, từ năm 2016 - 2020, trong quá trình thí điểm đấu thầu phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc khi thực hiện theo quy trình bố trí vốn, tổ chức đấu thầu, dẫn đến mỗi năm chỉ đấu thầu quản lý bảo trì 8 - 9 tháng, còn đặt hàng 3 - 4 tháng.

"Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019 của Chính phủ (quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên), Thông tư số 10/2020 của Bộ GTVT (quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên) và Thông tư số 113/2020 của Bộ Tài chính (quy định kinh phí quản quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa), hoạt động quản lý, bảo trì đường thủy trong năm 2021 được áp dụng hoàn toàn theo cơ chế đấu thầu.

Giải quyết được vấn đề đan xen đặt hàng và đấu thầu bảo trì (chỉ còn đấu thầu) và áp dụng quản lý, nghiệm thu theo tiêu chí chất lượng sẽ giúp các doanh nghiệp bớt được khó khăn và tập trung vào thực hiện công việc quản lý, bảo trì đường thủy để đảm bảo luồng tuyến thông suốt, an toàn; tăng cường tính minh bạch trong quản lý”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, từ khi có Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa quốc gia hàng năm được tăng lên, giúp tăng nguồn lực đầu tư cho công tác bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường thủy quốc gia.

Trong 5 năm qua, công tác khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng từ 400km/năm trước đây đã tăng lên 1.200km/năm.

Hiện nay đã hoàn thành khảo sát lần đầu để phục vụ quản lý các tuyến vận tải chính với khối lượng thực hiện 5.811km/năm.

Công tác sửa chữa bổ sung, thay thế báo hiệu (từ 300 - 400 báo hiệu/năm trước đây tăng lên từ 700 - 900 báo hiệu/năm).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.