Quân sự

Không còn tranh cãi, Mỹ quyết không trở lại Hiệp ước bầu trời mở

28/05/2021, 09:02

Mỹ sẽ không tham gia Hiệp ước bầu trời mở, đây là xác nhận từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

img

Mỹ không tham gia hiệp ước bầu trời mở vì cáo buộc Nga không tuân thủ nguyên tắc

Ngày 28/5, hãng thông tấn Nga Tass vẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết:

“Mỹ rất tiếc khi Hiệp ước bầu trời mở đã bị huỷ hoại vì những hành vi vi phạm từ Nga. Vì vậy, sau khi đánh giá về hiệp ước, Mỹ không có ý định sẽ tái tham gia thoả thuận này bởi Nga đã không thực hiện hành động để tái tuân thủ nguyên tắc. Hơn nữa, hành vi của Nga bao gồm những hoạt động gần đây đối với Ukraine, là không phù hợp để làm một đối tác cam kết xây dựng dựa trên niềm tin”.

Bộ Ngoại giao Nga xác nhận, Washington đã thông báo với Moscow về quyết định không tham gia Hiệp ước bầu trời mở.

Quyết định trên được đưa ra sau nhiều tháng Mỹ đánh giá và cân nhắc khả năng quay trở lại. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở từ tháng 11/2020 vì cáo buộc Moscow vi phạm nhiều điều khoản.

Ngày 15/1/2021, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo khẳng định, Moscow đang thực hiện các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước này.

Vì Nga nhận thấy, sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận, Hiệp ước này gần như không có quy trình để loại bỏ chướng ngại nhằm duy trì hiệu quả.

Tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo, giới chức Mỹ vẫn chưa quyết định có quay trở lại hiệp ước này hay không. Washington cáo buộc Moscow chỉ tuân thủ có chọn lọc và vi phạm rất nhiều điều khoản của hiệp ước trong nhiều năm liền.

Phản ứng lại, Nga cũng tỏ rõ bất bình trước cách thực thi thoả thuận của Mỹ. Hạ viện Nga đã thông qua dự luật để bác bỏ Hiệp ước Bầu trở mở vào ngày 19/5. Thượng viện Nga dự kiến sẽ điều trần về dự luật này trong ngày 2/6 tới.

Hiệp ước bầu trời mở được ký vào tháng 3/1992 tại Helsinki với sự tham gia của 27 quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác tại Châu Âu (OSCE) nhằm mục đích chính là tạo ra cơ chế bầu trời mở để tăng cường minh bạch, hỗ trợ lẫn nhau trong giám sát việc tuân thủ các thoả thuận kiểm soát vũ khí hiện có hoặc sẽ có trong tương lai, tăng cường năng lực ngăn chặn và kiểm soát khủng hoảng.

Qua thoả thuận, các nước đã thiết lập một chương trình cho phép các thành viên thực hiện những chuyến bay trinh sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về hoạt động và lực lượng quân sự, theo hạn ngạch bay được thống nhất trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.