Giao thông

Không đầu tư giao thông vào địa phương chây ỳ mặt bằng

22/03/2018, 08:53

Bộ GTVT sẽ xem xét không đầu tư công trình, dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn địa phương trì trệ GPMB.

11

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp

Chỉ đạo tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hôm qua (21/3), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong kế hoạch đầu tư sắp tới, Bộ GTVT sẽ xem xét không đầu tư công trình, dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn địa phương trì trệ giải phóng mặt bằng (GPMB).

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn dư của QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên rất chậm, thậm chí đến nay một số công trình còn chưa khởi công xây dựng. “Các dự án sử dụng vốn dư nhận được sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ và dư luận nên không thể chậm hơn được nữa”, Bộ trưởng nói và chốt hạn tiến độ các dự án sử dụng vốn dư lần 1 phải hoàn thành trước ngày 30/6, các dự án sử dụng vốn dư lần 2 xong hết vào cuối năm 2018, còn lại các dự án sử dụng vốn dư lần 3 kết thúc trước 30/6/2019.

"Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ các dự án sử dụng vốn dư do nhà thầu yếu kém. Chúng ta phải có giải pháp mạnh để chấn chỉnh những nhà thầu chây ỳ như cắt hợp đồng, tổ chức đấu thầu lại. Các ban QLDA, chủ đầu tư phải làm cương quyết, thậm chí có thể lập danh sách các nhà thầu yếu kém để Bộ GTVT xem xét không cho các nhà thầu tham gia vào các dự án giao thông do Bộ quản lý”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Theo Bộ trưởng, các công trình đang trong giai đoạn lập hồ sơ phê duyệt dự án phải được rà soát kỹ, chi tiết không để phát sinh thêm các hạng mục trong quá trình triển khai thi công. Những dự án đã phê duyệt cũng phải rà soát kỹ càng, nếu cần thiết cho sử dụng vốn dự phòng để bổ sung, tổ chức đấu thầu xong sẽ không được phát sinh thêm.

“Nếu đơn vị tư vấn nào không làm đến nơi, đến chốn, các ban QLDA phải báo cáo Bộ GTVT, cần thiết sẽ không giao việc, thậm chí cấm các tư vấn này tham gia vào các dự án”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đối với các ban QLDA, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cảnh báo: “Dự án nào phát sinh hạng mục khiến dự án kéo dài, ban QLDA, chủ đầu tư của dự án đó phải chịu trách nhiệm. Ban QLDA nào làm chậm, trì trệ, chúng tôi sẵn sàng cắt dự án và sẽ điều chuyển, giáng chức giám đốc. Bộ GTVT rất công tâm, nghiêm minh nhưng không chấp nhận trì trệ”.

Đánh giá công tác GPMB của nhiều dự án rất chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, Bộ trưởng thẳng thắn nói: “Địa phương nào trì trệ trong công tác GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, trong kế hoạch đầu tư sắp tới, Bộ GTVT sẽ xem xét không đầu tư công trình, dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn địa phương đó”.

Tiến độ chậm chủ yếu do vướng mặt bằng

Trước đó, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, 22 dự án sử dụng vốn dư lần 1 của dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, tổng mức đầu tư 11.902,3 tỷ đồng đã hoàn thành các thủ tục và đang triển khai thi công. Trong đó, 7 dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng; 2 dự án đã hoàn thành các hạng mục chính, đang triển khai thi công hạng mục bổ sung; 13 dự án đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành năm 2018.

“Còn lại dự án kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án đầu tư theo quy mô đường cao tốc và dự án Cao Bồ - Mai Sơn được bổ sung 1.612 tỷ đồng theo nghị quyết của Quốc hội, triển khai cùng với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Lâm nói và cho biết, tổng số vốn đã được bố trí cho các dự án sử dụng vốn dư lần 1 là 11.028 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 7.202 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch.

Đối với 17 dự án sử dụng vốn dư lần hai, tổng mức đầu tư 4.520 tỷ đồng hiện đã phê duyệt dự án đầu tư 15 dự án với tổng mức đầu tư 4.455 tỷ đồng. “Đến nay, các chủ đầu tư, ban QLDA đã hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công, dự kiến hoàn thành năm 2019. Hai dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư là dự án nâng cấp, mở rộng đường nối QL1 đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - đường ven biển tỉnh Quảng Nam và dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh”, ông Lâm chia sẻ và thông tin, tổng số vốn đã bố trí cho dự án sử dụng vốn dư lần hai là 3.140 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 653,2 tỷ đồng.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, trong số các dự án sử dụng vốn dư lần 1 có 9 dự án và một tiểu dự án do các ban QLDA của Bộ GTVT quản lý thực hiện, còn lại 11 dự án và một tiểu dự án được giao cho các sở GTVT làm chủ đầu tư.

“Hiện, 10 dự án và một tiểu dự án đạt tiến độ yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn các dự án bị chậm tiến độ”, ông Thành nói và cho biết, nguyên nhân các dự án chậm tiến độ chủ yếu do địa phương chậm bàn giao mặt bằng, các ban QLDA, chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát trong triển khai thi công.

Cũng theo ông Thành, trong số 17 dự án sử dụng vốn dư lần 2 (4 dự án đã giao cho địa phương thực hiện), còn lại 13 dự án gồm: 8 dự án do các ban QLDA của Bộ GTVT thực hiện quản lý và 5 dự án do các Sở GTVT làm chủ đầu tư. “Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư 11/13 dự án, trong đó 10 dự án đã hoàn thành phê duyệt thiết kế, dự toán, còn lại dự án tuyến tránh quốc lộ đoạn qua Tân An, tỉnh Long An đang tổ chức lập hồ sơ thiết kế, dự toán”, ông Thành nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.