Doanh nghiệp

Không để doanh nghiệp tự ý tăng giá vé dịp Tết

22/01/2015, 17:01

Giá cước vận tải hành khách sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong dịp Tết nguyên đán.

Giam cuoc21
Hôm nay, taxi Đất Cảng đã giảm thêm khoảng 20% giá cước

DN “vui vẻ” với giảm cước

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) cho biết, đến nay, hầu hết các DN vận tải hành khách tuyến cố định và xe taxi đều gửi văn bản đến sở về việc giảm giá cước. Mức giảm được các DN đăng ký từ 3,8% đến 20%.

Thực tế, các DN taxi hoạt động trên địa bàn thành phố đều công bố mức giảm hơn so với giữa năm 2014. Các DN vận tải hành khách tuyến cố định cũng đều đồng loạt giảm giá vé ít nhất 5.000 đồng/vé. Cụ thể, tuyến Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại giá vé chủ yếu dao động từ 70.000 đồng đến 75.000 đồng/vé, tùy theo từng loại xe.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, GĐ Công ty CP vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, từ ngày 25/4/2014, đối với xe khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội công ty tăng từ 75.000 đồng/vé lên 80.000 đồng/vé và đến này 1/12/2014, mức giá vé đã giảm xuống còn 75.000 đồng/vé. Sáng nay (22/1), taxi Đất Cảng cũng đã giảm giá cước khoảng 20% giá mở cửa xe và trên 10% cho các km tiếp theo.

Lý giải về việc này, ông Hải cho biết, giá xăng dầu chỉ chiếm 32% chi phí cho tuyến xe, công ty rất muốn hạ giá vé. Hơn nữa, thực tế, lệ phí ra vào bến bãi và các chi phí khác lại tăng quá nhiều. Riêng bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) tăng lệ phí từ 70.000 đồng lên 160.000 đồng/xe. Ngoài ra, xe tuyến Lạc Long - Yên Nghĩa còn xa hơn tuyến Tam Bạc - Lương Yên 40km (40% quãng đường), nhưng giá vé cũng chỉ bằng tuyến này. Bên cạnh đó, đầu tư xe cũng đắt hơn nhiều so với trước đây, khấu hao tài sản tăng, lãi suất ngân hàng cũng không hạ là bao, ông Hải cho hay.

Nhiều DN vận tải khác cũng cho rằng, tình trạng “xe dù, bến cóc”, "đầu gấu" trên các tuyến Quốc lộ đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, đặc biệt về giá cước. Chính vì vậy, các DN để xuất nên xây dựng giá cước theo ngày và theo nhu cầu để linh động hơn trong việc điều chỉnh. Bởi vào ngày đông khách, nhiều DN sẵn sàng giảm giá, nhưng ngày ít khách, giá vé phải tăng để bù lại.

Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng ngược lại, đó là ngày đông khách thì giá vé lại tăng. Thậm chí, vì phải hoạt động theo biểu đồ, nhiều khi xe không có khách vẫn cứ phải chạy, dẫn đến phải đón khách dọc đường, gây lãng phí cho DN và ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

Ktra gia cuoc 1
Đoàn kiểm tra tại các DN vận tải

Xử lý nghiêm DN trục lợi

Nguyễn Đức Thọ, PGĐ Sở GTVT Hải Phòng cho biết, quan điểm chung là không cho phép các DN tăng giá cước trong dịp cao điểm mà khuyến khích hạ giá vé tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

“Các DN vận tải hành khách sẽ phải niêm yết giá cước và nếu phát hiện tình trạng lợi dụng dịp cao điểm để trục lợi, sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết không để DN tự ý tăng giá vé” – ông Thọ nói.

Hiện nay, đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc một số DN vận tải đề nghị mức phụ thu quá cao (có DN nâng phụ thu gần bằng 60% giá vé). Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, việc phụ thu chủ yếu xảy ra vào dịp cuối năm đối với xe khách đường dài (trên 500km), do xe chủ yếu có khách một chiều, phụ thu để bù vào tuyến không có khách. “Tuy nhiên, việc phụ thu xe khách từ Hải Phòng đi các tỉnh phía Nam sẽ được Sở GTVT và các ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân, vừa tạo điều kiện cho DN, không để DN lấy cớ đó để tự ý phụ thu tiền vé vô tội vạ", ông Hiếu nói.

Ngoài ra, đây cũng là biện pháp để vận tải hành khách dịp lễ hội Xuân đối với hơn 700 xe hợp đồng trên địa bàn thành phố cũng được quản lý chặt chẽ, hướng đến phục vụ nhân dân thuận lợi, hợp lý, an toàn, văn minh.

Trung Thành – Mai Lâm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.