Đường sắt

Không để mô hình kinh doanh cà phê đường tàu đe dọa mất an toàn

29/09/2022, 19:05

Đường sắt, địa phương đồng quan điểm không nên để mô hình kinh doanh cà phê đường tàu vì vi phạm luật, đe dọa mất an toàn.

Vi phạm ATGT đường sắt phức tạp, kéo dài

Chiều nay (29/9), Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với chính quyền địa phương, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về kiến nghị của người dân khu vực cà phê đường tàu quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho phép vừa kinh doanh, vừa thực hiện các giải pháp an toàn.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, khu vực đường tàu ở chắn đường ngang Trần Phú (Km 0+750) - đoạn đường Phùng Hưng (1+200) thuộc địa bàn hai phường Cửa Đông, Hàng Bông trở thành tụ điểm cà phê thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước đến quay phim, chụp ảnh từ những năm 2018-2019.

img

Việc kinh doanh trên hành lang đường sắt là vi phạm pháp luật, nguy cơ mất an toàn cao khi khách du lịch đứng sát đường tàu chụp ảnh, quay phim. Ảnh: minh họa

Trước đó đã nhiều lần xảy ra các vụ việc khách nước ngoài đển khu vực này nằm, ngồi trên đường sắt, nhất là sau khi uống bia rượu, say xỉn; Nhân viên đường sắt phải nhắc nhở, báo công an đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Chính vì vậy, khi khu vực này trở nên đông đúc, phức tạp, nguy cơ mất an toàn cao do khả năng tàu đâm, va khách du lịch, các đơn vị đường sắt đã phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp quyết liệt giải tỏa, ngăn chặn.

Tuy nhiên, sau hai năm ảnh hưởng dịch Covid-19, các dịch vụ du lịch hoạt động trở lại, từ tháng 4, tháng 5/2022 đến nay, khu vực này lại trở nên đông đúc, khách du lịch quốc tế tiếp tục đến đây tham quan. Nguy cơ mất an toàn càng cao. Vì vậy, đường sắt kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, phải đến tháng 9/2022, khi các địa phương cử lực lượng chức năng chốt chặn, giải tỏa, tình hình trật tự ATGT đường sắt khu vực này mới được lập lại.

“Tuy vậy trưa ngày 18/9 vừa qua, vẫn xảy ra vụ khách nước ngoài va quệt nhẹ vào tàu khi cố tình đi vào khu vực cấm để quay phim, chụp ảnh. May mà, khách chỉ bị xây sát nhẹ. Rõ ràng nguy cơ mất an toàn rất cao. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến người dân, khách du lịch mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người lái tàu khi mà phía trước đoàn tàu rất đông người lô nhô sát đường tàu như vậy...”, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói.

Không đánh đổi an toàn lấy lợi ích kinh tế

Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông cho biết, tại khu vực này thuộc địa bàn phường quản lý có 51 hộ dân với 251 nhân khẩu. Trong 15 hộ kinh doanh cà phê, giải khát, có 4 hộ có đăng ký kinh doanh.

Theo quy định pháp luật đường sắt hiện hành, tất cả các hộ kinh doanh này đều nằm trên đất hành lang đường sắt, vi phạm pháp luật. Do đó, phường đã tiến hành rút giấy phép đăng ký kinh doanh với 4 hộ có giấy phép và yêu cầu đóng cửa toàn bộ các hộ kinh doanh.

Cùng đó, để tránh tái diễn tình trạng vi phạm phức tạp, phường đã tổ chức lực lượng cắm chốt trực tại 3 vị trí, ngăn chặn, tuyên truyền để khách du lịch không đi vào khu vực cấm. Ngoài ra, lắp camera giám sát tại các lối ngõ có thông ra đường tàu.

img

Các lực lượng chức năng chốt chặn nhằm tuyên truyền, ngăn chặn các du khách đi vào khu vực đường tàu nguy hiểm.

“Vừa qua người dân chấp hành tương đối nghiêm túc, đồng thời có đơn gửi phường và các cấp kiến nghị, đề xuất các giải pháp để vừa kinh doanh vừa đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, quan điểm của phường là không đánh đổi an toàn của người dân nên sẽ tiếp tục tăng cường chốt chặn, không cho khách du lịch vào khu vực này.”, ông Linh nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND phường Cửa Đông cho biết, thuộc phường quản lý có 41 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Trong 7 hộ kinh doanh, có 2 hộ có giấy phép. UBND phường đã có quyết định thu hồi đăng ký kinh doanh với 2 hộ này; Đối với các hộ khác cũng ra thông báo, yêu cầu đóng cửa. Phường cũng lập 2 chốt ngăn chặn trực 3 ca từ 6h00 đến 22h30.

“Lực lượng của phường mỏng trong khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trị khác nên rất vất vả trong ra quân, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc, vận động, gần như cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để đảm bảo trật tự an toàn tại đây. Do đó, chúng tôi không đồng ý cho phép tiếp tục kinh doanh ở khu vực này vì như vậy trước tiên là vi phạm quy định pháp luật đường sắt.

Hơn nữa các đề xuất về đảm bảo an toàn mà các hộ dân đưa ra rất khó thực hiện, do khoảng cách từ đường sắt đến các hộ dân rất hẹp, rủi ro nguy hiểm không lường hết được. Nếu sơ sẩy xảy ra tai nạn tàu đâm va khách du lịch, hậu quả khôn lường”, bà Thủy nói.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, diện tích công trình nhà ở của các hộ dân tại khu vực này đều nằm trên hành lang đường sắt. Do vậy, với công trình hiện hữu này hiện chưa thể xử lý được, nhưng mọi hoạt động khác phát sinh vi phạm pháp luật đường sắt đều phải xử lý.

“Với gần 100 hộ này, liệu có thể xây dựng được đề án để kinh doanh cải thiện đời sống người dân, hài hòa với các quy định pháp luật không? Thật sự rất khó. Vì không chỉ đoạn ở địa bàn quận Hoàn Kiếm, mà còn tuyến đường sắt kéo dài đến Ngọc Hồi cũng có rất nhiều điểm vi phạm hành lang đường sắt, cũng bán hàng, kinh doanh... chưa xử lý dứt điểm được.

Vì vậy, phải thượng tôn pháp luật, lấy an toàn của người dân là trên hết, không đổi lợi ích kinh tế của bất kì tổ chức, cá nhân nào, kể cả việc thu ngân sách của chính quyền từ dịch vụ du lịch, thương mại.”, ông Quân nhấn mạnh và đề nghị các phường tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân khu vực này nhận thức, hành động đúng, tuân thủ quy định pháp luật.

Các đơn vị, địa phương kiến nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi qua khu vực này để giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân đến nơi mới. Theo các đại biểu, đây vừa là giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm vi phạm hành lang đường sắt tại đây vừa tạo cơ hội mới cho người dân ổn định đời sống, mưu sinh.

Thống nhất với các ý kiến của các đại biểu, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh cho biết sẽ ghi nhận và báo cáo Bộ GTVT, các cấp có thẩm quyền. Theo đó, đồng thuận quan điểm thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đảm bảo an toàn của người dân, người tham gia giao thông là trên hết. Ghi nhận kiến nghị của các hộ dân, tuy nhiên các đề xuất này chưa giải quyết triệt để các vi phạm, đảm bảo an toàn. Do đó cần có giải pháp căn cơ, bền vững.

“Nhu cầu mưu sinh của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, không chỉ khu vực chắn Trần Phú, còn nhiều khu vực đường sắt khác trên cả nước. Nếu khu vực nào cũng kiến nghị, đề xuất và được chấp thuận thì tính hiệu lực của pháp luật Nhà nước sẽ thế nào? Hơn nữa, nguy cơ mất an toàn cao, các lực lượng chức năng không thể suốt ngày canh chừng, ngăn chặn người dân, khách du lịch từ sáng đến tối được.”, ông Cảnh nói.

Ông Cảnh nhấn mạnh, trong khi chờ ý kiến cấp có thẩm quyền cũng như các giải pháp căn cơ, cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm để răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm.

Trước đó, ngày 15/9/2022, sau khi quận Hoàn Kiếm triển khai các biện pháp đóng cửa các hộ kinh doanh, ngăn không cho du khách đi vào khu vực cà phê đường tàu nhằm đảm bảo an toàn, các hộ kinh doanh tại đây đã có đơn gửi các cấp có thẩm quyền.

Trong đơn, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp giúp người dân có đời sống ổn định, có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh khu vực vừa tạo được điểm nhấn cho du lịch. Đồng thời các hộ dân cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi kinh doanh cà phê, du lịch tại đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.