Chính trị

Không để “rồng rắn” đi giám sát mà hiệu quả không bằng bài báo

12/01/2017, 08:14

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Không để “rồng rắn” đi giám sát mà hiệu quả không bằng một bài báo.

12

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp sáng 11/1

Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban TVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH, Đoàn ĐBQH.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, giám sát là lĩnh vực rất quan trọng nhưng cũng cần điều phối hợp lý, làm sao mỗi năm không có quá 4 đoàn giám sát xuống làm việc ở một địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, không để một tỉnh phải đón 4-5 đoàn giám sát trong 1 năm, thậm chí một tháng có 2 đoàn giám sát tới làm việc. “Các địa phương cũng rất nhiều việc, 1 năm tiếp chừng ấy đoàn giám sát thì chẳng làm được gì nữa nên phải cố gắng điều phối hài hòa, tránh chồng chéo, trùng lắp”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về chất lượng giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không phải cứ đi giám sát nhiều là sẽ hiệu quả mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế. “Nếu chúng ta giám sát có hiệu lực, hiệu quả thì dù ít cuộc giám sát mà chất lượng và độ lan tỏa lớn vẫn hơn là tổ chức nhiều đoàn giám sát. Thực tế còn nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động giám sát của ta hiệu quả chưa cao”, ông Lưu nhìn nhận.

Về tổ chức đoàn đi giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá đã có nhiều đổi mới, cụ thể vừa qua đã quy định một đoàn chỉ có ba xe, trong đó chỉ có trưởng đoàn đi xe riêng, còn lại tất cả các thành viên đi xe chung, có đoàn có 2 bộ trưởng tham gia cũng đi xe chung. Về phía đối tượng chịu sự giám sát, ông Hiển thẳng thắn nêu thực tế nhiều địa phương vẫn còn tình trạng coi thường hoạt động giám sát của Quốc hội, kể cả giám sát tối cao. “Có đoàn do Phó chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn xuống giám sát về vệ sinh ATTP nhưng địa phương lại chỉ cử một phó chủ tịch ra làm việc, thể hiện sự không nghiêm túc”, ông Hiển thông tin.

Ghi nhận ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đích thân bà đã trực tiếp gọi điện phê bình địa phương có thái độ không nghiêm túc mà Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhắc đến. “Phó chủ tịch Quốc hội cùng hai bộ trưởng đến giám sát mà địa phương thiếu sự tôn trọng, chỉ cho một phó chủ tịch ra làm việc. Đoàn giám sát phải đặt mình vào vị trí của địa phương để thấu hiểu, nhưng cũng phải nghiêm khắc phê phán các địa phương có thái độ không nghiêm túc”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Về chất lượng giám sát, Chủ tịch Quốc hội vẫn băn khoăn khi nhiều ĐBQH nói, “chúng ta nói rất hay nhưng trách nhiệm về ai thì chưa rõ, rất chung chung”. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát, không để tình trạng đi giám sát “rồng rắn” nhưng rồi hiệu quả giám sát lại không bằng một bài báo hay một cuộc kiểm tra đột xuất.

Kết luận lại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm giám sát không được gây phiền toái cho địa phương và đặc biệt coi trọng công tác hậu giám sát. Kết thúc thảo luận, với đa số tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.