Cuộc sống an toàn

Không để rượu, bia đe dọa ATGT trên những nẻo đường vùng cao

20/10/2021, 16:53

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cần phải tăng cường tuyên truyền để đồng bào vùng cao điều chỉnh việc sử dụng rượu, bia, đảm bảo ATGT.

Ranh giới say và tỉnh mỏng như lá lúa

Trao đổi với Báo Giao thông, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, các cấp chức năng cần phải đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền để đồng bào các dân tộc thiểu số ý thức được hậu quả do TNGT gây ra từ việc điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, từ đó cải thiện tình trạng mất ATGT trên những nẻo đường vùng cao.

img

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ

Trải qua nhiều năm nghiên cứu văn hóa, ông đánh giá thế nào về văn hóa sử dụng rượu, bia ở của người dân tộc thiểu số hiện nay?

Trong chiến tranh chống Mỹ và ngay trong thời hậu chiến, cho đến đầu những năm 1990, ở miền xuôi và các đô thị trung tâm, rượu bia còn ít và rất quý.

Trong lúc đó, ở các vùng sâu, vùng xa, ở miền núi, người dân không nấu rượu bán mà ủ rượu cần để gia đình dùng, để tiếp khách và sử dụng trong lễ hội. Những phiên chợ vùng cao là dịp phô diễn văn hóa rượu.

Thế nhưng thời điểm ấy, phương tiện cơ giới còn chưa phổ biển ở vùng cao, người ta chưa hiểu rõ được những nguy cơ TNGT tiềm ẩn.

Bắt đầu từ chủ trương đổi mới 1986 đến nay, đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện, các lò rượu bung ra khắp mọi vùng quê. Việc sử dụng rượu bia tại miền xuôi hay miền ngược trở thành một vấn nạn xã hội đáng báo động.

Cơ sở giao thông ngày càng mở rộng thuận lợi lên tận vùng cao. Ngựa ít dần, thay vào đó là những xe máy phân khối lớn, công nông, xe bán tải và cả "hổ vồ" tham gia giao thông chạy như bão rừng.

Tuy không đông như thành thị nhưng đèo dốc ngoằn ngoèo, bên núi cao, bên vực sâu, thỉnh thoảng bên đường lại là hình ảnh người say trèo lên xe rồi lại đổ xuống, dúi dụi vào ta tuy dương. Có người còn kha khá tỉnh thì phóng lên với "tốc độ bàn thờ", nhìn rất hãi hùng.

Bản thân tôi, trong nhiều năm lên các tỉnh vùng cao làm công tác nghiên cứu đã không ít lần chứng kiến hình ảnh những thùng xe công nông chở mươi người lao ùm xuống suối. Biên phòng thì dừng xe, hối hả xuống cứu. Ai hơi "tây tây" cũng có cảm giác mình tay lái “lụa” hơn. Những lúc đó, ranh giới giữa say và tỉnh là mỏng như lá lúa.

Ông cho rằng, thói quen sử dụng rượu bia trong những lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số có phải là “hủ tục”?

Nói là "hủ tục" thì hơi nặng nề vì ngày xưa người say không phải là nhiều, sự nguy hiểm khi đi đường chỉ gây cho mình mà ít ảnh hưởng người khác. Nhưng giờ đây nó là vấn nạn, lan ra toàn xã hội và ngày càng khó kiểm soát. Ở miền ngược hay miền xuôi, cứ mỗi lúc nông nhàn, gặp nhau là uống, chưa say chưa về. Nó thành một tập quán mới.

Một điều tra xã hội học về cá nhân uống rượu đã đưa ra nhận định, người thành thị uống ít hơn người nông thôn, người nông thôn miền xuôi uống ít hơn người vùng sâu vùng cao mặc dù tổng lượng tiêu thụ xã hội thấp hơn.

Đa dạng hình thức tuyên truyền để người dân ý thức được hậu họa

Ông đánh giá thế nào về các biện pháp quản lý tình trạng uống rượu, bia tại các địa phương vùng cao hiện nay? Các cấp chức năng cần có giải pháp gì để ngăn chặn nguy cơ TNGT do rượu, bia trên các cung đường vùng cao và giúp cho các lễ hội văn hóa ngày càng văn minh hơn?

Trước hết, phải khẳng định, cuộc đổi mới cách sử dụng rượu bia là một “cuộc chiến” rất cam go. Ở các trục đường chính miền xuôi, theo quy định tham gia giao thông có nồng độ chất kích thích là phạt nhưng thói ở miền núi, vùng cao, quy định này vẫn chưa thực sự nghiêm chỉnh.

Nếu ở các làng miền xuôi, nhiều hương ước về sinh hoạt xóm thôn đã có quy định không được dùng rượu và thuốc lá trong cưới xin, ma chay, không được mang rượu biếu tặng trong các dịp lễ, tết với sự đồng lòng cam kết của người dân thì ở miền ngược, việc quy định hương ước vẫn còn hạn chế.

Dựa vào đặc thù mỗi vùng miền, song song với các giải pháp cứng (xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành - PV), lực lượng chức năng các tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua chuyên đề, tiểu phẩm, các cuộc thi trình diễn với đề tài hạn chế rượu bia.

Hình thức tuyên truyền càng phong phú, gần gũi, người dân càng dễ tiếp cận và ý thức được hậu quả có thể xảy ra, từ đó, tự giác cùng những người thân điều chỉnh hành vi sử dụng rượu, bia của mình một cách văn minh thay vì lạm dụng, dẫn tới hậu quả khôn lường.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.