TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến tham nhũng tại Agribanktháng 12 năm 2015. (Ảnh minh họa)- Ảnh: TTXVN |
Nếu tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn số đã kê khai thì đơn vị kiểm soát có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế truy thu thuế hoặc khởi kiện dân sự nếu người kê khai không giải trình được.
Đó là một trong những nội dung được đánh giá là tiến bộ trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra để lấy ý kiến đóng góp. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt , Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) để làm rõ hơn vấn đề này.
Giám sát chặt biến động tài sản của quan chức
Được biết, Chính phủ sắp tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Xin ông cho biết, dự thảo Luật PCTN lần này có những điểm gì mới để có thể khắc phục những bất cập trong luật hiện hành?
Luật PCTN lần này xác định nhiệm vụ chính là tạo ra cơ chế phòng ngừa tham nhũng sớm nhưng đảm bảo toàn diện và sâu rộng. Về phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN lần này mở rộng cả đối với các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài khu vực Nhà nước.
Về phòng ngừa tham nhũng, luật sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, hoàn thiện và quy định mới về trách nhiệm của người đứng đầu, quy định về các biện pháp người đứng đầu phải thực hiện khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý…
Đặc biệt, dự thảo luật lần này sẽ hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu thập nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập; Quy định việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động, quy định các biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập; Thực hiện việc giải trình về nguồn gốc thu nhập đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường….
Ông Phạm Trọng Đạt , Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) |
Ở một số nước trên thế giới, việc quan chức có tài sản biến động bất thường sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi ngay lập tức. Vấn đề này có được đề cập trong dự thảo luật?
Về vấn đề kê khai tài sản ở nước ngoài không như chúng ta, cứ tài sản bất thường mà quan chức không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị thu hồi luôn, còn ở Việt Nam thì khác.
Theo đó, việc tịch thu tài sản tham nhũng chỉ được thực thi khi có bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về hành vi tham nhũng của cá nhân và tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng đó.
Vì vậy, dự thảo đã đưa ra phương án xử lý tài sản tham nhũng theo hướng: “…qua kết quả xác minh nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch; Hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý”.
Chưa nói đến tài sản quan chức, đến tài sản ngoài xã hội chúng ta cũng có quản lý được đâu. Ví dụ công chức đi làm lương vài triệu/tháng, biết không đủ sống nhưng khoản họ kiếm thêm ở đâu chúng ta không hề kiểm soát được. Chừng nào chưa quản lý được dòng tiền mặt, để tiền mặt trôi nổi thì chừng đó không thể phòng ngừa tham nhũng tốt được.
Khắc phục việc kê khai hình thức
Thanh tra Chính phủ từng cho rằng, khi giao cho cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai đồng thời quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập khiến cho việc kê khai rất hình thức. Dự thảo Luật PCTN lần này khắc phục ra sao?
Hiện nay, có rất nhiều cơ quan tham gia quản lý việc kê khai tài sản nhưng lại chẳng ai nắm được chung nhất và cũng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Vì vậy cần xây dựng cơ sở dữ liệu về kê khai tài sản, thống nhất từ trên xuống dưới để khi cần tìm hiểu về tài sản của một đối tượng quan chức nào đó thì chỉ cần ngồi một chỗ là theo dõi được, không phải hỏi qua đủ các cơ quan rồi mấy ngày sau cũng không ai cung cấp, không ai xác minh.
Theo quy định của Luật hiện hành, bản kê khai tài sản, thu nhập do đơn vị/ bộ phận phụ trách công tác tổ chức nhân sự của cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác quản lý. Đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý thì Ban tổ chức cấp ủy cùng cấp quản lý. Đây được xem là một trong những hạn chế.
Để khắc phục tính hình thức, dự thảo lần này đã bổ sung quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Thanh tra Chính phủ; TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại nơi không có cơ quan thanh tra; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thành ủy; Thanh tra tỉnh...
Cảm ơn ông!
Xử lý tham nhũng cả khu vực ngoài Nhà nước Theo dự thảo luật, tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước thì phải kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài ra, những người làm việc trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cũng nằm trong diện kê khai. Dự thảo đã bỏ quy định về kê khai hàng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Người dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ thì phải công khai bản kê khai tại hội nghị cử tri, cuộc họp bầu, phê chuẩn hoặc lấy phiếu tín nhiệm khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận