Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội |
Ngay từ tên gọi của Dự án Luật đã khiến ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) băn khoăn. Ông Xuyền cho rằng, ngay tên gọi đã quá đề cao vai trò quản lý nhà nước về ngoại thương, trong khi mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. “Việc ban hành luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, ĐB tỉnh Thái Bình nói. Ông cũng không đồng tình khi dự thảo không quy định cụ thể các biện pháp tạm ngừng, cấm xuất - nhập khẩu hàng hóa, mà lại trao quyền này cho Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương và các bộ, ngành.
Cùng quan điểm, ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: "Dự luật này là điển hình của luật khung, luật ống”. Dẫn chứng về quy định hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh lâu nay vẫn được kiểm soát hiệu quả theo Luật Hải quan, ông Lộc cho rằng, giờ lại đưa thêm quy định điều này vào luật mới vừa cồng kềnh, vừa phát sinh giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh… Theo ông Lộc, dự thảo cũng “đẻ” ra nhiều loại giấy phép mới, không kèm bất cứ quy định nào về điều kiện để căn cứ cấp giấy phép, mà chỉ quy định duy nhất thẩm quyền và như vậy là không minh bạch.
Đánh giá thực tế vừa qua, hoạt động ngoại thương nhiều bất cập, “cơ quan quản lý bất lực khi thiếu cơ chế kiểm soát, xử lý nạn hàng giả, hàng lậu tuồn vào thị trường trong nước qua con đường nhập khẩu”, nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lưu ý luật cần bổ sung quy định về kiểm soát dịch vụ do giá trị gia tăng ngày càng lớn, trong khi cơ chế kiểm soát hiện lỏng lẻo.
Giải trình làm rõ thêm trước Quốc hội về các vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, vì đây là lần đầu tiên trình Luật trước Quốc hội nên xin tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự luật. Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định: “Quan điểm Chính phủ kiến tạo, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển không mâu thuẫn với tên gọi của dự luật là quản lý ngoại thương”.
Tiếp thu ý kiến các ĐBQH đã nêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và làm rõ sự phân biệt, nguyên tắc hạn chế, cấm xuất - nhập khẩu hàng hóa theo hướng minh bạch, công khai. “Các nguyên tắc này sẽ công khai, tránh tình trạng lạm dụng cơ chế quyền lực tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận