Xã hội

Không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân gây ra nợ xấu

24/05/2017, 09:47

Tính đến tháng 1/2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

no-xau2

Ảnh minh họa

Thông tin tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ pháp lý” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tối qua (23/5) cho biết, tính đến tháng 1/2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%). Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp LienVietPostBank, việc xử lý nợ xấu đã bị vướng ở khâu xử lý tài sản đảm bảo khi các quy định pháp luật không cho phép các ngân hàng được quyền tự tịch thu, xử lý tài sản đảm bảo của con nợ. Trong khi đó, các vụ việc xử lý qua tòa án diễn ra trong thời gian dài, nhiều vụ việc đi vào bế tắc.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Chính phủ trình Quốc hội và sẽ được thảo luận ngay trong kỳ họp này. Nghị quyết về xử lý nợ xấu của TCTD gồm các vấn đề lớn: Không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu; Không trái Hiến pháp và không gây xung đột với các luật khác; Giới hạn thời gian thực hiện nghị quyết...

Đáng chú ý, nghị quyết lần đầu tiên nêu vấn đề quyền lợi hợp pháp của chủ nợ, công nhận quyền thu giữ của chủ nợ. Theo đó, đối với tài sản đảm bảo, nếu chủ nợ đồng ý thỏa thuận giao lại cho ngân hàng thì thực hiện theo hợp đồng kinh tế cam kết hai bên. Nếu con nợ không đồng ý giao tài sản đảm bảo thì sẽ xử lý rút gọn theo bản án của tòa.

Trước ý kiến cho rằng, việc ban hành nghị quyết có thể tạo “lối thoát” trách nhiệm cho một số cá nhân gây ra nợ xấu, ông Nguyễn Đức Hưởng khẳng định: “Không có chuyện Nghị quyết ưu ái cho ngành ngân hàng hay chạy tội cho một số cán bộ gây ra nợ xấu. Đây không phải là xử lý cho riêng ngành ngân hàng mà là cho cả nền kinh tế”.

Ông Kiên cũng đồng tình cho rằng, nội dung nghị quyết sẽ “không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân gây ra nợ xấu trong giai đoạn này”.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.