Xã hội

Không nên chỉ lấy GDP để đánh giá năng lực lãnh đạo địa phương

31/10/2019, 10:31

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không nên lấy con số GDP là yếu tố duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của địa phương.

img
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không nên lấy GDP đánh giá năng lực lãnh đạo địa phương

Quan trọng là sinh kế người dân, ổn định đời sống, bảo vệ môi trường

Thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (31/10), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đã đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thời gian qua.

“GDP được trả bằng giá nào? Với hệ luỵ gì? Được phân phối phân bổ như thế nào, có bền vững hay không?” - đại biểu đặt câu hỏi và nhấn mạnh: Không nên lấy con số GDP là yếu tố duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của địa phương.” - ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đối với vùng phên dậu của đất nước, yếu tố hàng đầu là sinh kế người dân, là ổn định đời sống, là bảo vệ môi trường. Nếu như vậy, làm sao có thể chạy theo con số GDP, không lấy GDP để đánh giá được năng lực lãnh đạo vùng phên dậu được.

Đại biểu TP. HCM cũng cho rằng để phát triển bền vững, song song với việc tạo ra tài sản hợp nhất, những giá trị vật chất, thì chúng ta phải định hướng xã hội, định hương công dân, định hướng các ngành và vùng miền vào 3 trụ cột con người là phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

“Nếu chỉ định hướng bằng tiền, cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài “ào ạt” vào để tăng GDP lên, nhưng cuối cùng chúng ta đánh mất chủ quyền, chúng ta lệ thuộc kinh tế nước ngoài, từ đó không thể tự chủ được” - đại biểu cho hay.

Lo lắng khi thu ngân sách từ đất và xổ số lại tăng

Ở một góc độ khác, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) bày tỏ lo lắng khi đề cập đến 3 vấn đề tồn tại trong việc thu ngân sách, đầu tư công.

“Tăng trưởng GDP và thu ngân sách 2 năm 2018, 2019 đáng khích lệ khi mức thu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, cơ cấu thu chưa bền vững khi tăng thu nội địa vượt dự toán 1,9%, còn các khoản tăng thu không có tính bền vững như thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết tăng mạnh. Đặc biệt, thu từ 3 khối doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch”- đại biểu nói và đánh giá: Thu ngân sách từ thực chất nội lực của nền kinh tế còn thấp.

Đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng cho rằng việc trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách khá cao cho một số địa phương có nguồn thu lớn, đặc biệt là các thành phố trực thuộc trực thuộc trung ương tạo áp lực không nhỏ.

“Trong thời kỳ ổn định ngân sách kế tiếp, cần tính toán cân đối hợp lý tỷ lệ điều tiết thu ngân sách về trung ương với các địa phương có khả năng, dư địa phát triển tốt”- ông Tùng đề xuất.

Dân vẫn rất tin tưởng, gửi tiền vào ngân hàng

Lạc quan về tình hình phát triển KTXH, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho biết: Trong 4 năm qua (từ 2016 - tháng 10/219), Việt Nam xuất siêu đạt 19,7 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng trưởng ngoại hối.

Dẫn chứng thu nhập bình quân của Việt Nam đang tăng gấp đôi so với năm 2010 (hơn 1.300 USD/người/năm), nay là hơn 2.700 USD/người/năm), đại biểu Ngân nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Việt Nam giữ ổn định kinh tế vỹ mô, kiểm soát liên tiếp trong 5 năm lạm phát dưới 4%, kéo giảm bội chi, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia và an toàn hệ thống ngân hàng.

“Người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng trong nước và gửi tiền vào ngân hàng. Tính tới tháng 7/2019, ngân hàng huy động nguồn vốn trên 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 4,7 triệu tỷ đồng là đến từ tiền gửi của người dân. Nhờ vậy, ngân hàng đã có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế, dư nợ tính đến cuối tháng 7 lên đến 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương với 30% GDP” - ông Ngân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.