Đường sắt

Không nhận chở hành lý, tàu Đồng Đăng càng ế ẩm

31/05/2016, 06:08

Để chống buôn lậu qua tàu hỏa tuyến Hà Nội-Đồng Đăng, ngành Đường sắt không nhận chuyên chở hành lý từ cuối năm 2014.

6

Tàu Đồng Đăng có rất ít khách đi - Ảnh: Ngô Vinh

Điều này gây khó khăn lớn cho tuyến đường sắt vốn đang ế khách này vì mất đi nguồn thu không nhỏ.

Sợ “tiếp tay” buôn lậu, không nhận hành lý

Quyết định không nhận chuyên chở hành lý bao gửi, ký gửi (có toa xe riêng) theo tàu khách được ngành Đường sắt đưa ra từ cuối năm 2014 sau khi rộ lên dư luận đường sắt “tiếp tay” buôn lậu trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện sau quyết định này, tuyến tàu Hà Nội - Đồng Đăng vốn đã vắng khách giờ lại càng thêm vắng. Thực tế, đã có những thời điểm, tuyến tàu này lúc nào cũng tấp nập hành khách. Đó là khoảng thời gian cách đây hơn chục năm, khi hàng Trung Quốc rất “hot”, nhiều chuyến tàu Đồng Đăng - Hà Nội một ngày với cả chục toa xe một đoàn tàu vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

Ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng cho rằng: “Nên nhận chở hành lý, có vậy mới có thêm doanh thu, vì chỉ chở hành khách không, chưa chạy đã thấy lỗ. Chúng tôi sẽ nỗ lực đảm bảo hành lý được kiểm tra hợp pháp, thu cước đầy đủ”. 

Chỉ đến khi QL1 mới hoàn thành, vận tải đường đường bộ “hút” cả khách lẫn hàng, năm 2010, đường sắt chỉ còn chạy một đôi tàu khách, có nhận chuyên chở hành lý. Khi đó, tàu ĐĐ3/4 với thành phần khoảng 3 toa xe khách 64 chỗ và 5 toa xe hành lý doanh thu bình quân một vòng quay (cả chuyến đi và chuyến về trong ngày) khoảng 20 triệu đồng, những ngày cao điểm nối thêm xe hành lý có thể lên đến 35-40 triệu đồng.

“Doanh thu này so với chi phí chạy tàu lúc đó là “hòa”, chứ nếu tính chi li ra, chưa chắc đã được”, một người am hiểu về vận tải đường sắt cho biết.

Tình hình hiện tại còn thê thảm hơn, khi theo ông Võ Minh Trung, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Bắc Giang - đơn vị quản lý tàu Đồng Đăng, tàu ĐĐ5/6 với 4 toa xe khách, không nhận chở hành lý, trung bình doanh thu một vòng quay khoảng 4-5 triệu đồng, ngày lễ khoảng 8-9 triệu đồng. “Nếu nhận chở hành lý còn bù đắp được phần nào, chứ không thể cứ duy trì chạy tàu khách kiểu này mãi được”, ông Trung nói.

Không quản được thì cấm?!

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các quy định về chuyên chở hành lý trên tàu Đồng Đăng rất chặt chẽ. Tại ga Đồng Đăng, UBND tỉnh Lạng Sơn lập Đội Chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại (Đội Chống buôn lậu) với các cán bộ thuộc lực lượng thuế vụ, công an, biên phòng và quản lý thị trường. Hàng (hành lý) trước khi lên tàu được tập kết tại khu vực quy định để Đội chống buôn lậu kiểm tra, không phải hàng cấm, hàng giả, xác định lô hàng đủ điều kiện lưu thông. Nhà ga căn cứ vào tờ khai hàng hóa của chủ hàng cũng như kiểm tra giấy tờ chứng nhận tính hợp pháp của hàng, tiến hành cân kiểm tra hành lý, bán vé cước và dán thẻ hàng theo quy định. Nhân viên nhà ga, bảo vệ kiểm tra vé cước, số kiện hàng thực tế khớp với phiếu cân hàng mới cho vào ga, lên tàu. Vì vậy, để hàng lậu lên được tàu không phải dễ.

“Tuy nhiên, phải thừa nhận, vẫn có hiện tượng hàng gian lận thương mại, trốn cước trên tàu”, ông Mai Hải Sơn, Phó phòng An toàn - An ninh - Bảo vệ Quốc phòng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nói và cho biết thêm, nguyên nhân là do cửu vạn lợi dụng quy định miễn cước 20 kg hành lý xách tay, mua vé hành khách chặng ngắn đi theo tàu, bởi số hành lý này không quy định bắt buộc phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.

Cũng theo ông Sơn, một số đối tượng cũng lợi dụng khu vực ga Đồng Đăng chưa được rào khép kín hoàn toàn quăng ném, câu móc hàng hóa lên tàu tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Theo chính sách của Nhà nước, cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu khi mua hàng về qua biên giới nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày. Lợi dụng quy định này, nhiều người đã làm “cửu vạn” sang Trung Quốc đem hàng về để các đầu nậu thu gom, tổ chức vận chuyển. Số hàng này đều có tờ khai hải quan.

Tại cuộc làm việc gần đây với Tổng công ty Đường sắt VN về công tác phòng chống buôn lậu địa bàn đường sắt, ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) khẳng định, sẵn sàng vào cuộc cùng các địa phương có tàu chạy qua tháo gỡ vướng mắc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.