Giao thông

Không nhập nhèm khi bỏ trạm BOT trên QL1 qua Lạng Sơn

05/06/2018, 10:00

Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã tiến hành nhưng dư luận còn một số ý kiến băn khoăn.

thi cong cao toc Bac Giang Lang Son

Thi công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã tiến hành thu dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư từ ngày 1/6/2018 nhưng dư luận còn một số ý kiến băn khoăn về việc: Trước đây dự án đặt hai trạm, nay bỏ đi một trạm và chỉ tiến hành thu một trạm, có sự nhập nhèm gì ở đây không?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, đây là công trình có quy mô rất lớn, tổng vốn lên tới hơn 12.000 tỷ đồng, gồm hai hợp phần: Xây dựng 64km đường cao tốc theo tiêu chuẩn đường cao tốc từ Km 45+100 - Km 108+500 và tăng cường, nâng cấp 105km mặt đường QL1 hiện hữu qua hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.

Để đảm bảo phương án tài chính, Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư cũ (do UDIC đứng đầu liên danh) đã thống nhất trong hợp đồng BOT, ngoài các trạm thu giá dịch vụ trên tuyến đường cao tốc áp dụng hình thức thu kín, dự án còn đặt hai trạm thu hở trên QL1. Tuy nhiên, do năng lực yếu kém của nhà đầu tư, không vay được vốn tín dụng cho dự án, liên tục vi phạm hợp đồng nên đến cuối tháng 5/2017, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư tại dự án hầm Đèo Cả vào giải cứu dự án thông qua việc mua lại cổ phần của Công ty CP Đầu tư UDIC.

“Điểm mấu chốt là khi chúng tôi tiếp nhận dự án, theo kế hoạch, đoạn cao tốc Chi Lăng đến Cửa khẩu Hữu Nghị dài 43km dự định triển khai bằng nguồn vốn vay của ADB do VEC lập dự án sẽ hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng vào năm 2019 nhằm đảm bảo lưu lượng phương tiện theo tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT dự án Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tuy nhiên, do những vướng mắc về thủ tục pháp lý, cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị dự kiến đến năm 2020 cũng không thể triển khai được bằng nguồn vốn vay của ADB. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh Lạng Sơn mà còn đẩy nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi nguy cơ vỡ nợ rất lớn, bởi lưu lượng xe của tuyến cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng chắc chắn sẽ bị sụt giảm sâu so với phương án tài chính do không thể kết nối với tuyến Chi Lăng chạy thẳng lên cửa khẩu Hữu Nghị.

“Thời điểm cuối năm 2017 cũng là lúc các trạm BOT trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng, một số trạm BOT gặp sự chống đối của các chủ phương tiện, gây mất an ninh trật tự. Trước tình hình đó, cuối tháng 7/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc đặt hai trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên QL1 hiện hữu sẽ tạo thêm khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông và các doanh nghiệp vận tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này”, ông Tự nói và cho biết, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Bộ GTVT gộp đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng để hoàn thành đồng bộ trong năm 2020 và bỏ đi một trạm thu trên tuyến QL1 hiện hữu.

Sau khi nghiên cứu, tính toán, nhà đầu tư thấy rằng, việc gộp thêm 43km đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị vào dự án và bỏ đi một trạm thu giá trên QL1 vẫn đảm bảo phương án tài chính của dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Do vậy, cuối năm 2017, nhà đầu tư cùng với UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện theo hướng điều chỉnh lại phương án tài chính của dự án, chỉ thu một trạm trên QL1 và bổ sung đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị kết nối vào dự án Bắc Giang - Chi Lăng.

“Việc dự án bỏ đi một trạm thu trên QL1 là xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của người dân và xã hội, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan chứ không có chuyện nhập nhèm gì ở đây”, ông Tự nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.