Chính trị

Không nhất thiết ngành nào cũng bố trí Ủy viên Trung ương

29/01/2016, 19:20

14 thành viên Chính phủ không tái cử BCH T.Ư nhiệm kỳ này sẽ không lơ là trách nhiệm đến giờ phút cuối cùng.

Nguyen_Van_Nen
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời câu hỏi của báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016

Đó là thông điệp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên truyền đạt trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 1/2016 được tổ chức vào chiều tối 29/1.

Mỗi chức danh đều có người chuẩn bị kế thừa

Trước câu hỏi của báo chí với một số trường hợp các Bộ trưởng không tái cử BCH T.Ư khoá XII, Chính phủ đã tính phương án thay thế nhân sự cho các Bộ, ngành đó hay chưa? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, công tác nhân sự là công tác của Đảng, thời gian qua Đảng đã chỉ đạo công tác quy hoạch cán bộ với cấp ủy các cấp khá bài bản và chặt chẽ theo quy định.

Theo đó, mỗi chức danh đều có một hoặc nhiều hơn số người chuẩn bị kế thừa, và một người, một cán bộ cũng có thể quy hoạch một vài chức danh, khi cần thiết thì Đảng sẽ điều hành. “Công tác nhân sự rất hạn chế tình trạng bị động, Đại hội vừa qua có một số trường hợp dự kiến nhưng không trúng cử BCH T.Ư là điều bình thường vì đã có số dư rồi. Đại hội vừa kết thúc, cấp có thẩm quyền được phân cấp quản lý cán bộ sẽ xem xét, bố trí hợp lý trong thời gian tới” - Bộ trưởng Nên khẳng định.

Không nhất thiết ngành nào cũng có Ủy viên Trung ương

Trả lời câu hỏi của PV Báo Pháp luật TP HCM, sau Đại hội Đảng sẽ có sự gián đoạn một thời gian khoảng 5-6 tháng gì đó thì mới đến bầu cử Quốc hội, xong rồi mới bầu cử Chính phủ mới. Có ý kiến đề nghị rằng một số vị trí thấy đủ “chín” rồi thì có thể triển khai ngay, gắn cương vị chính trị với cương vị Nhà nước. Liệu đề xuất và suy nghĩ, cân nhắc từ phía Chính phủ với Đảng như thế nào? Bộ trưởng Nên chia sẻ: "Đúng ra công việc nhân sự không phải là nội dung chính của Người phát ngôn Chính phủ hôm nay. Tuy nhiên, không hẳn là không có liên quan, vì thế tôi hiểu tới đâu sẽ trả lời đến đó. Nếu cái gì chưa rõ thì chúng ta sẽ tiếp tục hỏi cơ quan chức năng, tổ chức cán bộ sẽ trả lời đầy đủ hơn để chúng ta truyền tải thông tin này cho đúng theo sự quan tâm của các bạn cũng như của người dân".

Ông Nên cho biết: "Hệ thống chính trị rất nhiều đầu mối mà Ủy viên Trung ương thì có hạn, kể cả chính thức và dự khuyết có 200 người. Cho nên đề án công tác nhân sự và quan điểm xuyên suốt của Đảng là không nhất thiết ngành nào cũng bố trí Ủy viên Trung ương và các địa phương cố gắng tối đa để có người đứng đầu là Ủy viên Trung ương. Nếu nơi nào chưa bố trí được thì Trung ương sẽ xem xét hợp lý những yêu cầu cần và đủ để điều động, đảm bảo có sự lãnh đạo xuyên suốt. Tinh thần chung là như thế.

Sau Đại hội chúng ta sẽ thấy rằng còn lại nhiều ngành không bố trí đủ Ủy viên Trung ương, điều đó là bình thường.

Trách nhiệm là không được lơ là

Trước lo ngại sẽ có một “khoảng trống” khi chưa chọn được những nhân sự mới thay thế cho các Bộ trưởng không tái cử BCH T.Ư khoá này, Bộ trưởng Nên khẳng định, mỗi khi cấp uỷ bố trí nhân sự thì đều cân nhắc kỹ yêu cầu đảm bảo về quản lý, am hiểu về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của vị trí đó.

Sáng nay họp Chính phủ, Thủ tướng đã chúc mừng các đồng chí thành viên Chính phủ tái cử BCH T.Ư khoá XII, trong đó có một số đồng chí được tín nhiệm bầu vào Bộ chính trị, Ban Bí thư, dặn dò các đồng chí tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao trên từng cương vị cụ thể.

Với 14 thành viên Chính phủ không tái cử lần này, Thủ tướng nhắn nhủ các đồng chí hãy tiếp tục tập trung với tinh thần nỗ lực cao nhất hoàn thành công việc mình đang phụ trách cho đến giờ phút có người kế nhiệm để bàn giao. Quan điểm là về trách nhiệm là không được lơ là” – Bộ trưởng Nên truyền đạt lại và nhấn mạnh, điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm không để chỗ nào trống, và trách nhiệm luôn là vấn đề xuyên suốt.

14 Bộ trưởng không là Ủy viên Trung ương khóa XII gồm:

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (1949).

- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (1959).

- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (1953).

- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (1952).

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (1954).

- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền (1952).

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (1953).

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (1953).

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (1955).

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử (1951).

- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang (1953)

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (1955).

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (1953).

- Bộ trưởng - Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (1955). 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.