Thời sự

Không nhất thiết phải bầu đủ 500 ĐBQH

02/06/2016, 08:06

Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Tổng số ĐBQH không quá 500 người".

14

Ông Lê Minh Thông, Phó chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Đó là thông tin ông Lê Minh Thông, Phó chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết khi trao đổi với Báo Giao thông chiều 1/6. Ông Thông cũng cho biết, trong ngày 8/6, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ công bố toàn bộ kết quả bầu cử.

Đã có nhiệm kỳ không bầu đủ 500 ĐBQH

Sau khi một số địa phương công bố kết quả bầu cử ĐBQH khóa XIV, có địa phương bầu thiếu số lượng ĐBQH đã được ấn định. Hội đồng Bầu cử Quốc gia đưa ra hướng giải quyết thế nào đối với việc này, thưa ông?

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, tổng số ĐBQH không quá 500 người. Điều đó có nghĩa là Luật vẫn cho phép không nhất thiết phải bầu đủ 500 đại biểu nếu như do những lý do khách quan không bầu đủ số lượng. Nếu không bầu đủ 500 đại biểu, việc xem xét bầu cử thêm sẽ do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định. Trong khóa XIII, chúng ta bầu đủ 500 ĐBQH, nhưng các nhiệm kỳ trước, cũng có khóa chúng ta không bầu đủ số lượng trên.

Việc bầu cử thêm phụ thuộc vào hai yếu tố: Một là, căn cứ vào đề xuất của địa phương nơi bầu thiếu, xuất phát từ lợi ích và quyền đại diện của cử tri cũng như tình hình thực tế tại địa phương. Hai là, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cân nhắc các yếu tố để căn cứ vào đề nghị của địa phương quyết định cho bầu cử thêm hay không.

Vừa qua, một số địa phương như: Cần Thơ, Sóc Trăng bầu thiếu số lượng ĐBQH đã được ấn định. Trong đó, Cần Thơ có văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét việc cho phép được bầu cử thêm. Căn cứ vào đề xuất của địa phương và tình hình thực tiễn về mức độ thiếu số lượng ĐBQH phân bổ cho địa phương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đồng ý cho Cần Thơ bầu cử thêm. Cuộc bầu cử thêm diễn ra ngày 29/5 vừa qua có kết quả tốt, đã bầu đủ số lượng ĐBQH cần bầu thêm. Cho đến giờ, việc bầu cử ĐBQH cơ bản hoàn tất.

Tôn trọng ý chí của cử tri

Thống kê sơ bộ từ các địa phương cũng cho thấy, số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phường tại một số địa phương cũng thiếu nhiều. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

Tôi nghĩ không có gì phải băn khoăn về kết quả này, bởi đó là điều tất yếu trong bầu cử. Việc bầu không đủ, phải bầu thêm cũng là câu chuyện bình thường trong công tác bầu cử. Chúng ta trước hết phải tôn trọng ý chí của cử tri. Cử tri đã lựa chọn và chúng ta trân trọng kết quả đó.

Việc người dân không tín nhiệm ai đó trong danh sách ứng cử viên và không bỏ phiếu cho họ cũng là việc bình thường, thể hiện ý thức của dân ngày càng cao, trách nhiệm chính trị của dân ngày càng nâng lên. Điều đó cũng cho thấy, mức độ trưởng thành dân chủ của chúng ta rất tốt, ý thức của nhân dân ngày càng cao.

Đại biểu HĐND là những người gắn liền với người dân nên dân rất quan tâm. Cử tri đã lựa chọn cẩn thận cấp HĐND cuối cùng bởi vì đó là những người đại diện trực tiếp cho dân và giải quyết những công việc trực tiếp nơi người dân sinh sống. Việc phải bầu thêm đại biểu HĐND cấp xã, phường cho thấy cử tri rất quan tâm và kỳ vọng vào HĐND cấp cơ sở. Sự lựa chọn cẩn trọng đó xuất phát từ sự đánh giá cao HĐND cơ sở, cử tri lựa chọn những người họ biết vì những ứng cử viên đó là những người sống với họ, họ chia sẻ thông tin và đánh giá được năng lực của các ứng cử viên. Đây là điều rất đáng mừng.

Theo ông, việc này cho chúng ta bài học gì trong việc lựa chọn các ứng cử viên để cử tri bầu?

Việc này rõ ràng cho thấy bài học về việc lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu cho cử tri bầu. Có thể công tác chọn nhân sự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống ở cơ sở. Đồng thời, công tác vận động bầu cử, cách thuyết trình của các ứng cử viên cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để cử tri lựa chọn được đúng người, nói lên tiếng nói của mình.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.