Xã hội

“Không nước nào bắt công chức bồi thường cho người bị oan”

09/06/2015, 06:45

Thực tế không có nước nào công chức phải đứng ra bồi hoàn thiệt hại cho người bị oan.

Ông Nguyễn Đình Quyền
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền:“Không nước nào bắt công chức bồi thường cho người bị oan”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (ảnh nhỏ) cho biết như trên khi trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội sáng 8/6 về vấn đề dùng tiền ngân sách để bồi thường oan sai, nhân việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) vừa được TAND tối cao thỏa thuận bồi thường 7,2 tỷ đồng cho 10 năm tù oan.  

Sau sự việc ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng việc dùng tiền ngân sách để bồi thường cho những người làm trái công vụ là hết sức vô lý, quan điểm của ông thế nào?
Không chỉ ở Việt Nam, mà việc thực hiện công vụ nhà nước và oan sai của công vụ nhà nước thì tất cả các nước đều do ngân sách nhà nước chi trả. Các cụ nói “con dại cái mang” nên pháp nhân Nhà nước phải đứng ra bồi thường thiệt hại. Đó là quan hệ hành chính Nhà nước, giữa thực hiện công vụ và người có quyền, lợi ích liên quan chứ không phải là quan hệ dân sự giữa hai bên khi anh làm sai mà tôi phải bồi thường lợi ích cho anh. Đó là về mặt lý luận, không bao giờ có việc bồi thường tay đôi giữa công chức Nhà nước với người bị oan cả.

Vấn đề là bồi thường oan sai thời gian qua trong tố tụng hình sự nhìn chung rất chậm. Có nguyên nhân về cơ chế, vì chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường. Đã đến lúc thay đổi mô hình thủ tục, tức là giao cho một cơ quan khác để đảm bảo khách quan, công khai và minh bạch hơn.

Nhưng dù sao dư luận vẫn rất băn khoăn, bởi cán bộ làm oan sai sao lại lấy tiền thuế của dân để bồi thường? Nếu như vậy thì các cán bộ công chức vẫn cố tình làm sai và ngân sách vẫn phải chi tiền bồi thường?

Ở nhiều nước, pháp luật quy định là nếu chứng minh rằng công chức mẫn cán và vô tư nhưng xảy ra oan sai thì Nhà nước vẫn bồi thường. Đặc biệt là công chức tư pháp được loại trừ hoàn toàn khỏi trách nhiệm bồi thường về vật chất, để không bị sức ép gì khi thực hiện công vụ.

Tuy nhiên ở ta, vấn đề này còn liên quan đến công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, tuyển dụng, thanh kiểm tra và xử lý cán bộ. Giữa việc bồi thường oan sai với công tác cán bộ của chúng ta có liên quan rất mật thiết. Nếu chúng ta còn làm kiểu lỏng lẻo trong công tác cán bộ, giữa hiệp thương, quy hoạch, tuyển dụng, luân chuyển… và vẫn để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy Nhà nước thì tất cả những công tác yếu kém đó, Nhà nước và người dân phải chịu.

Theo luật, cần chứng minh người làm oan do lỗi cố ý phải bồi hoàn tiền cho Nhà nước, nhưng ông có cho rằng thực tế giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý trong tố tụng là rất khó phân biệt?

Đúng như vậy. Giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý trong tố tụng là rất khó phân biệt, bởi vì người ta luôn luôn vin vào lý do năng lực hạn chế. Năng lực hạn chế cho nên vật chứng nọ, chứng cứ kia người ta để ngoài. Nhưng cái đó có thực sự là năng lực hạn chế hay do tinh thần trách nhiệm, do cố ý thì chứng minh rất khó, trừ trường hợp bắt quả tang anh có “đi ngầm” với đương sự. Ngay cả lỗi cố ý đi chăng nữa thì mức độ bồi hoàn của cán bộ, viên chức cũng rất nhỏ.

Theo ông, đâu là giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất việc gây oan sai?

Về nguyên tắc thì Nhà nước vẫn phải bồi thường và quyền lợi của người bị oan phải được bảo đảm. Còn nếu muốn Nhà nước không phải chi ngân sách bồi thường thì phải chấn chỉnh lại toàn bộ bộ máy Nhà nước, từ đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật... để chọn được người xứng đáng vào vị trí công tác đó.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.