Chuyện dọc đường

Vì sao nhan nhản người vượt đèn đỏ gây tai nạn, hành hung người va chạm?

18/12/2020, 06:39

Thảm họa giao thông hiện nay chính là ở chỗ mọi người mặc nhiên coi vi phạm giao thông là chuyện bình thường.

img

Em M., nữ sinh ở Tây Ninh bị hành hung phải điều trị tại bệnh viện (ảnh nhỏ) sau khi đi xe đạp va chạm giao thông với người đi bộ (Ảnh lớn: Khu vực em M. bị đạp ngã xuống mương)

Vượt đèn đỏ, lấn làn, đi ngược chiều.... là biểu hiện của người thiếu đạo đức?

Xã hội đòi hỏi người làm báo, luật sư và nhiều nghề khác phải có đạo đức, được quy định cụ thể thành từng điều mà ai hành nghề cũng phải tuân theo. Vậy, đi lại ngoài đường có cần có đạo đức hay không?

Một chuyên gia tâm lý học ở Nga về hỏi tôi như vậy.

Tôi cho rằng xây dựng văn hóa giao thông là đủ rồi, cả chục năm nay chúng ta đặt ra mục tiêu đó còn chưa thực hiện được. Nâng thành đạo đức giao thông e làm quá vấn đề.

Vị chuyên gia trả lời như thế này: Văn hóa là thứ ta thu nhập vào, người ta nói trình độ văn hóa lớp 12, tức là anh đã học, đã được dậy, thậm chí tốt nghiệp lớp 12 nhưng bản thân anh có văn hóa hay không thì chưa ai dám khẳng định.

Nhưng đạo đức là thứ anh buộc phải có.

Một ngày ta đi lại trên đường từ vài chục phút đến vài tiếng đồng hồ, nếu chúng ta không có đạo đức thì con đường đó thật sự hỗn loạn. Mà thực tế hiện nay đang như thế.

Người ta vẫn nói, các hành vi tham gia giao thông đã có pháp luật điều tiết. Nhưng hãy nhìn xem, vi phạm nhan nhản khắp nơi.

Tất cả những chỗ không có camera giao thông, người ra sẵn sàng tháo dải phân cách để quay đầu xe, phi lên vỉa hè để đi cho đỡ tắc hay thậm chí vượt đèn đỏ, đỗ lấn làn và chửi mắng người dám nhắc nhở. Không phải cái gì pháp luật cũng với tới và kiểm soát được hết.

Nhưng nếu có đạo đức khi tham gia giao thông, anh sẽ kiểm soát được chính mình.

Sẽ biết xấu hổ và không làm những điều pháp luật không cho phép.

Nếu thường xuyên vi phạm luật giao thông, gây tai nạn hoặc gây ùn tắc khiến người khác phải chịu hậu quả, xã hội nhìn nhận anh là người không có đạo đức.

Thảm họa giao thông hiện nay chính là ở chỗ mọi người mặc nhiên coi vi phạm giao thông là chuyện bình thường.

Tệ hại hơn, người ta sẵn sàng hành hung người khác chỉ sau một va chạm rất nhỏ. Như vụ gã thanh niên đạp vào mặt nữ sinh ở Bình Dương, vụ nữ sinh bị đá xuống mương ở Tây Ninh…

Những ức chế dồn nén khi đi đường hoặc những ẩn ức trong đời sống đang được tự do bung tỏa mỗi khi có một sự cố hay một tai nạn đường phố. Và luôn thiếu vắng những nghĩa cử, những người tốt sẵn sàng ra tay cứu giúp.

Nghe đến đây thì tôi đồng tình. Quả thật đã đến lúc mỗi người cần có đạo đức khi đi đường.

Đạo đức còn cao hơn luật pháp

Trong lúc chúng ta đổ lỗi cho mọi thứ đến từ bên ngoài như pháp luật chưa nghiêm, hạ tầng còn bất cập, tắc đường triền miên… và cho phép mình vượt qua đèn đỏ, đi ngược chiều, lấn làn chỉ để “tiện cho mình” thì chúng ta hãy nhìn sang những người hàng xóm ngay bên cạnh, đơn giản như ở Lào.

Ra đường họ không bấm còi, sẵn sàng nhường đường cho người khác, va chạm không nhảy xổ ra cãi nhau thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay như ta vẫn coi là “chuyện hàng ngày ở huyện”.

Rõ ràng có điều gì đó cao hơn luật pháp ở đây, ở Lào có camera giao thông phạt nguội không? Chưa có? Vậy điều gì khiến họ nhường nhịn nhau như vậy? Đó là lối sống và cao hơn nữa, chính là đạo đức.

Xã hội có muôn ngàn hoạt động diễn ra trong một ngày nhưng có những thứ người ta nhìn vào là đánh giá được nền tảng xã hội đó như thế nào.

Đó chính là cách người dân giao tiếp với nhau và cách họ tham gia giao thông.

Rất tiếc là cách chúng ta tham gia giao thông quá tệ.

Không xấu hổ khi ngang nhiên vi phạm các quy tắc giao thông giữa chốn đông người - tôi tin chắc họ sẽ không xấu hổ khi vượt qua những giới hạn đạo đức khác trong cuộc sống.

Nếu mỗi người điều tiết được hành vi tham gia giao thông mỗi ngày, biết đâu, từ đó chúng ta sẽ điều chỉnh được những hành vi khác.

Sự nghiêm ngắn sẽ lan tỏa trong đời sống như một thứ nhu cầu tự thân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.