Hạ tầng

Không quy hoạch nhà ga lưỡng dụng trong sân bay Tân Sơn Nhất

24/02/2020, 06:04

Dù Vietstar khẳng định “đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai dự án” song nhà ga lưỡng dụng chưa từng được đề cập trong Quy hoạch CHK Tân Sơn Nhất.

img
Nhà ga Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu khách nhưng năm 2018 đã đón hơn 40 triệu khách

Doanh nghiệp muốn xây nhà ga dùng chung (quân sự - dân sự) công suất gần 10 triệu khách

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về vốn, nhân lực, lên kế hoạch tổng thể, chi tiết từng hạng mục của nhà ga hành khách T3, Tân Sơn Nhất, chỉ chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là triển khai.

Trước đó, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ định ACV là nhà đầu tư dự án trên diện tích sàn xây dựng khoảng 110.000m2, với công suất 20 triệu hành khách/năm và tổng vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng.

“Nếu được Thủ tướng chấp thuận, ACV sẽ nỗ lực tối đa và cam kết triển khai dự án nhanh tối đa có thể. Tình thế đã rất cấp bách rồi”, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như mới đây, Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar) có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho rằng vị trí xây dựng nhà ga là khu đất 16,37ha hiện đang là đất quốc phòng, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10ha mà Quân chủng Phòng không không quân - Bộ Quốc phòng đã bàn giao cho Vietstar.

Doanh nghiệp này cũng khẳng định “đã và đang chuẩn bị đầu tư nhà ga hàng không lưỡng dụng phù hợp với quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất được ban hành tại Quyết định số 3193/QĐBGTVT ngày 7/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT”.

Thậm chí, theo Tổng giám đốc Vietstar Phạm Trịnh Phương, Vietstar đã đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt công suất 9,8 triệu lượt khách/năm với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng.

Không có trong quy hoạch

Không đồng tình với kiến nghị của Vietstar, trong văn bản mới nhất gửi doanh nghiệp này, Bộ GTVT khẳng định tại Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT ngày 7/9/2015, Bộ GTVT đã quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 25 triệu hành khách/năm.

Trong quyết định này, phần nhà ga hành khách chỉ xác định cải tạo, mở rộng các nhà ga hành khách đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và không có nhà ga hàng không lưỡng dụng.

Cũng theo Bộ GTVT, dự kiến đến năm 2025, CHK quốc tế Long Thành mới được đưa vào khai thác. Trong khi đó, năm 2016 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã bắt đầu khai thác vượt công suất thiết kế.

Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu đề xuất phương án mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn nước ngoài (Công ty Tư vấn ADPi của Cộng hòa Pháp), Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo và đồng ý lựa chọn phương án do công ty này đề xuất.

Cụ thể, thực hiện điều chỉnh quy hoạch mở rộng, đầu tư, xây dựng mới một nhà ga hành khách hiện đại, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Nam để đáp ứng yêu cầu phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm, nâng công suất khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, đảm bảo tối thiểu đạt 50 triệu hành khách/năm.

Thường trực Chính phủ cũng giao Bộ GTVT chỉ đạo Công ty Tư vấn ADPi tiếp tục phối hợp với Công ty Tư vấn ADCC hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo hiệu quả nhất, đặc biệt là việc sử dụng đất cả về phía Nam và phía Bắc…

Được sự thống nhất của Bộ Quốc phòng và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo quyết định này, phần hàng không dân dụng không có nhà ga hàng không lưỡng dụng.

Về Dự án đầu tư xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 của Vietstar, Bộ GTVT đề nghị Vietstar làm việc với Bộ Quốc phòng do dự án nằm trên phạm vi đất quốc phòng.

Đồng thuận giao ACV xây nhà ga T3

Trong Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 công suất 20 triệu khách/năm do ACV thực hiện với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.


Liên quan đến đề xuất ACV làm chủ đầu tư dự án nhà ga T3, không chỉ Bộ KH&ĐT mà trước đó, Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đều có văn bản đồng thuận đề xuất này.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 21 cảng đang được giao ACV quản lý, khai thác.

Việc để ACV đầu tư và khai thác thêm 1 nhà ga tại Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có, tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư.

Phía Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư dự án này, sau khi cân nhắc ưu, nhược điểm của các hình thức đầu tư.

Theo chuyên gia hàng không Trịnh Như Long, với hàng không, an toàn, an ninh phải được coi trọng hàng đầu và không được đánh đổi vì bất kỳ lý do gì. Ông Long cho rằng, tại CHK quốc tếTân Sơn Nhất, ACV đang là tổ chức được cấp giấy chứng nhận nhà khai thác cảng hàng không, sân bay theo Luật Hàng không dân dụng VN.

Bất kỳ quốc gia nào cũng giao trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho máy bay hoạt động tại sân bay cho một nhà khai thác cảng hàng không, sân bay duy nhất nhằm kiểm soát, giám sát và xử lý trách nhiệm.

“Việc Chính phủ xem xét giao cho ACV đầu tư nhà ga T3 sẽ là giải pháp hợp lý nhằm tiếp tục duy trì trách nhiệm của ACV”, ông Long cho hay.

Khách qua cảng hàng không giảm kỷ lục

Tin từ Cục Hàng không VN, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm 29,8%, khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.

Cũng trong tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với tháng 2/2019. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870 nghìn khách. Khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách.

Mức sụt giảm kỷ lục lên tới 2 con số sau này nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không Việt Nam được cho là do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.